Thực trạng chuyển đổi số và một số định hướng xây dựng Đề án kinh tế ở Nghệ An

Thứ hai - 05/12/2022 04:21 0
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 mang lại, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030”, Quyết định số 411/QĐ-Ttg phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình/chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia. Kinh tế số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia, công nghệ số và dữ liệu số sẽ thấm sâu một cách tự nhiên vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn với các yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số, và phương thức tăng trưởng này sẽ ngày càng giữ vai trò chủ đạo, để nền kinh tế Việt nam sẽ phát triển nhanh hơn nhưng bền vững hơn, tăng trưởng bao trùm và thích ứng, kiên cường hơn trước các thách thức của một thế giới biến động ngày càng khó lường hơn. Các tỉnh, thành phố của Việt Nam cũng đã ban hành nghị quyết cụ thể hóa các mục tiêu chuyển đổi số và phát triển kinh tế số cho địa phương mình.
Bài viết này sau khi tóm tắt khái niệm và cấu trúc của kinh tế số, tình hình và tiềm năng phát triển kinh tế số của cả nước, sẽ phân tích bối cảnh phát triển kinh tế số của Nghệ An, mục tiêu phát triển kinh tế số của tỉnh, từ đó đưa ra một số khuyến nghị về Đề án phát triển kinh tế số của tỉnh.  
1. Khái niệm và cấu trúc của kinh tế số
Thuật ngữ “Kinh tế số” (digital economy) được dùng khá lâu trước khái niệm CMCN 4.0. Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của CMCN 4.0, xu hướng số hóa hay công cuộc chuyển đổi số thực sự xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, chuyển đổi số và kinh tế số đã trở thành một trong những yếu tố “cốt lõi” của CMCN 4.0. Cho đến nay, kinh tế số đã trở thành một thuật ngữ có nhiều khái niệm và cách đo lường khác nhau. Theo nghĩa hẹp, kinh tế số chỉ bao gồm các lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông, trong khi nghĩa rộng hơn bao gồm các ngành nghề có mô hình kinh doanh gắn liền với công nghệ số và nền tảng số (các nền tảng trực tuyến, các dịch vụ hỗ trợ nền tảng như nền kinh tế chia sẻ, tài chính cộng đồng,…). Nghĩa rộng nhất của kinh tế số bao gồm toàn bộ mạng lưới các hoạt động kinh tế và xã hội dựa trên nền tảng số, các lĩnh vực kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,…), chính phủ số, xã hội số.
Một cách tổng quát, có thể hiểu kinh tế số là các hoạt động kinh tế và phương thức sản xuất kinh doanh dựa trên công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế. Kinh tế số đang mở ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Việt Nam được coi là một nước có tiềm năng tăng trưởng kinh tế số mạnh mẽ và sẽ trở thành một quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN.
2. Phát triển kinh tế số ở nước ta
Với cấu trúc kinh tế số như trên, nước ta chủ trương phát triển kinh tế số ICT với trọng tâm là doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam, hài hòa với thu hút FDI có chọn lọc, gia tăng hàm lượng xuất khẩu, phát triển kinh tế số nền tảng với trọng tâm là các nền tảng số quốc gia, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế số ngành với trọng tâm là ưu tiên đưa vào sử dụng các nền tảng số dùng chung, thống nhất trong từng ngành, lĩnh vực. 
Theo Báo cáo thường niên của ba tổ chức Google, Temasek và Bain về nền kinh tế số tại các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam luôn là một trong những nước đi đầu về phát triển kinh tế số trong khu vực. Dựa trên số liệu thống kê của Bain trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, tổ chức này ước tính cho đến năm 2025 tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ được giữ cố định ở mức 29%. riêng năm 2021, tốc độ tăng trưởng lại nhảy vọt lên 31%, cao hơn dự báo, thể hiện sự hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế số Việt Nam. Thị trường trong nước đã dần thích nghi với hoạt động mua và bán hàng hoá qua mạng, nhu cầu buôn bán trực tuyến cũng ngày một tăng cao làm cho tốc độ tăng trưởng so với 2020 được cải thiện rõ rệt.
Chính do những chênh lệnh giữa tỷ lệ tăng trưởng dự báo của nền kinh tế số và tỷ lệ thực tế qua từng năm tại Việt Nam, nhóm phân tích của Bain đã điều chỉnh lại mức tổng giá trị hàng hoá (GMV) dự kiến cho năm 2025 qua từng năm. Trong báo cáo năm 2019, Việt Nam ước tính đạt 43 tỷ USD tổng giá trị giao dịch vào năm 2025 với mức tăng trưởng 29%/năm kể từ 2015. Trên thực tế năm 2019 lại có tốc độ tăng trưởng vượt trội (38%), dẫn tới những thay đổi trong dự báo của Bain để duy trì tỷ lệ 29% trong 2 năm tiếp theo. Với tổng lượng giá trị hàng hoá tiếp tục tăng trưởng đạt 14 tỷ đô vào năm 2020, tổ chức này đã tăng mức dự báo cho nền kinh tế số lên 52 tỷ USD, cao hơn 9 tỷ so với năm 2019. Đối với năm 2021, con số này lại tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 5 tỷ USD, đạt mức 57 tỷ vào năm 2025. Dự báo đến năm 2030, khu vực Đông Nam Á sẽ bước vào “Thập kỷ kỹ thuật số” với những thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh trực tuyến. Theo phân tích của Bain, nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam năm 2030 có khả năng tăng gấp 11 lần so với 2021 và đạt đỉnh tại 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa điện tử được bán. 
3. Dư địa tăng trưởng từ kinh tế số của Việt Nam và kịch bản tăng trưởng kinh tế số 
Các yếu tố cấu thành kinh tế số tại Việt nam hiện đang có những dự địa tăng trưởng khác nhau (Nguyễn Trọng Đường, 2021). Kinh tế số lõi ICT đang chiếm khoảng 4,5% GDP toàn cầu, khoảng 6,9% GDP của Mỹ và 7% GDP Trung Quốc. Với Việt Nam, kinh tế số ICT ước tính đang chiếm khoảng 5,5 % GDP cả nước, cao hơn mức bình quân toàn cầu 1%. 

 

Về cấu phần kinh tế số Internet/kinh tế nền tảng hiện nay ở Việt Nam, ước tính chỉ mới khoảng 1,7% GDP, rất thấp so với trung bình toàn cầu là 15% GDP toàn cầu, và so với 21% GDP của Mỹ và 30% GDP Trung quốc, do vậy dự địa tăng trưởng còn lớn.
 

Về cấu phần kinh tế số ngành, lĩnh vực thường chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu. Ở Việt Nam, kinh tế số ngành, lĩnh vực ước tính hiện chiếm khoảng 1,7% GDP, cũng cho thấy kinh tế số internet Việt Nam còn dư địa phát triển rất lớn.
 
Để mô phỏng dự báo tác động của kinh tế số đến tăng trưởng kinh tế, Cameron và cộng sự (2019) trong Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số của Việt Nam” đã đưa ra 4 kịch bản như sau: Để mô phỏng dự báo tác động của kinh tế số đến tăng trưởng kinh tế, Cameron và cộng sự (2019) trong Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số của Việt Nam” đã đưa ra 4 kịch bản như sau: 
Kịch bản truyền thống: Mức độ chuyển đổi số thấp và Việt Nam là nhà nhập khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin. Điều này có thể dẫn đến tình trạng trì trệ năng suất trên toàn ngành của Việt Nam, tác động đến GDP là 60,9 tỷ USD, đóng góp vào tăng trưởng hằng năm 0,38% và rủi ro thay thế việc làm 14%.
Kịch bản chuyển đổi sổ: Chuyển đổi số rộng khắp trên tất cả các ngành và dịch vụ của Chính phủ. Tăng trưởng trong xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin, tác động đến GDP là 168,6 tỷ USD, đóng góp vào tăng trưởng hàng năm 1,1% và rủi ro thay thế việc làm 38%.
Kịch bản xuất khẩu số: Chuyển đổi trong công nghiệp chậm, tăng trưởng nhanh của các nhà xuất khẩu công nghệ thông tin và truyền thông ở Việt Nam để khai thác thị trường lao động giá rẻ, tác động đến GDP là 66,9 tỷ USD, đóng góp vào tăng trưởng hàng năm 0,45% và rủi ro thay thế việc làm 15%.
Kịch bản tiêu dùng số: Chuyển đổi số rộng khắp toàn bộ ngành Việt Nam, tuy nhiên ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông gặp khó khăn và xuất khẩu công nghệ thông tin và truyền thông không phải là thành phần quan trọng trong kim ngạch xuất khấu của Việt Nam, tác động đến GDP là 102,8 tỷ USD, đóng góp vào tăng trưởng hằng năm 0,63% và rủi ro thay thế việc làm 27% (Nguyễn Văn Bình, 2019).
Các mục tiêu phát triển kinh tế số mà Đảng, Chính phủ đặt ra là rất thách thức, bởi theo kịch bản phát triển thông thường thì đến năm 2025 kinh tế số Việt Nam chỉ đạt mức 10,5%  GDP. Để đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm 20% theo kịch bản phát triển nhanh, chúng ta cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hàng năm khoảng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP dự kiến (6,5-7%/năm). Đây là một kịch bản không dễ dàng để thực hiện được, cùng với các mục tiêu rất cao về xã hội số, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, và sự đầu tư xứng tầm của tất cả các bộ, ngành, địa phương cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
 
Nguồn: Quách Hồng Trang “Tình hình phát triển kinh tế số tại Việt Nam”, 2021
4. Một số đặc thù về kinh tế và chuyển đổi số của Nghệ An
4.1. Một số đặc điểm kinh tế của Nghệ An 
Nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, địa hình phong phú, đa dạng, có biển, đồng bằng, trung du và miền núi, trong đó Thành phố Vinh là đô thị loại 1, là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh và của cả khu vực Bắc Trung bộ. Với dân số hơn 3,3 triệu người, Nghệ an là địa phương đông dân thứ tư trong cả nước (sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Thanh Hóa). Về tài nguyên, Nghệ An có rừng, biển và các loại khoáng sản, đặc biệt là các loại khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch ốp lát, đá trắng. Là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ, giao thương giữa hai miền Bắc Nam cả nước cũng như trong tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Trong đó có 5 tuyến đường bộ ngang hướng Đông Tây nối với Lào. Cơ sở hạ tầng giao thông tỉnh Nghệ An hội tụ đầy đủ các tuyến đường bộ, cảng hàng không, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường sắt và các cửa khẩu. Trong những năm qua, các dự án trong KKT, KCN hàng năm đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động. Tuy nhiên, theo đánh giá của tỉnh, thu hút đầu tư vào KKT Đông Nam Nghệ An còn thiếu dự án động lực, có tính chất lan tỏa.
Về tổng thể, Nghệ An có đóng góp GRDP ở tốp đầu tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến năm 2021 khoảng cách quy mô kinh tế của các tỉnh Bắc Trung Bộ có xu hướng gia tăng, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Nghệ An có xu hướng tụt hậu, giảm mạnh trong giai đoạn 2019 -2020 do tình hình dịch Covid -19. Tốc độ GRDP của Nghệ An cũng có xu hướng tăng và tốc độ tăng trưởng có xu hướng nằm ngang giai đoạn 2018 – 2019 và giảm mạnh vào giai đoạn 2019 – 2020 do tình hình dịch bệnh covid-19. GRDP Nghệ An năm 2021 đạt 89,991 tỷ đồng chiếm 12,69% tổng GRDP Bắc Trung Bộ.
Giai đoạn 2014-2021, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và giữ ổn định ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế. Tỷ trọng khu vực nông, lâm, thuỷ sản giảm từ 26,48% năm 2013 xuống 24,57% năm 2021; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 24,15% năm 2013 lên 29,48% năm 2021; khu vực dịch vụ giảm từ 45,55% năm 2013 xuống 40,87% năm 2021. Tỷ trọng GRDP ngành dịch vụ luôn dẫn đầu trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP của ngành dịch vụ giai đoạn 2014-2021 đạt 5,4% (trong đó, giai đoạn 2014-2020 đạt 6,01%, giai đoạn 2014-2019 đạt 6,55%). Trong năm 2020 và năm 2021, dịch vụ là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19, tăng trưởng chỉ đạt lần lượt 2,8%; 1,3% là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đến năm 2021, so với Vùng và cả nước thì khu vực nông, lâm, thủy sản của Nghệ An chiếm tỷ trọng cao nhất; khu vực công nghiệp – xây dựng thấp hơn mức bình quân của Vùng và cả nước; khu vực dịch vụ cao hơn bình quân Vùng và xấp xỉ bình quân cả nước.
Chỉ số PCI của Nghệ An năm 2020 đạt 64,73 điểm, xếp thứ 18 cả nước, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung bộ, thuộc nhóm khá. Năm 2021, tỉnh đạt 64,74 điểm, xếp thứ 30 cả nước, thuộc cuối nhóm khá, tụt 12 bậc so với năm 2020 trên bảng tổng sắp.
4.2 Thực trạng chuyển đổi số tại Nghệ An
Xếp hạng chuyển đổi số
Hiện tại, xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số tại các tỉnh/Thành phố Bắc Trung Bộ của Bộ Thông tin truyền thông cho thấy Đà Nẵng là thành phố có xếp hạng DTI cao nhất cả nước; Thừa Thiên Huế xếp thứ 2 về chỉ số DTI bao gồm cả Chính quyền số; Kinh tế số và Xã hội số. Cùng với đó năm 2021 trong top 20 chỉ số DTI cả nước chỉ có Thanh Hóa có cải thiện, xếp thứ 12/63 tỉnh thành; các tỉnh còn lại năm 2021 có chỉ số DTI có xu hướng giảm so với năm 2020 và các tỉnh Bắc Trung Bộ có xếp hạng DTI khá thấp so với cả nước. 
Năm 2021; chỉ số DTI của tỉnh Nghệ An sụt giảm đáng kể so với năm 2020 năm 2020 xếp thứ 36/63 cả nước; Chính quyền số xếp thứ 40/63; Kinh tế số xếp 34/63 và Xã hội số xếp 32/63 thì sang năm 2021; chỉ số DTI giảm 19 bậc xếp thứ 55/63 tỉnh thành; trong đó xếp hạng về Chính quyền số; Kinh tế số; Xã hội số lần lượt là 56/63; 52/63 và 55/63. 
 
Hình 1: Các chỉ số xếp hạng DTI cấp tỉnh Nghệ An năm 2021
(Nguồn https://dti.gov.vn/)
 Kinh tế số
Kinh tế số Việt Nam bao gồm 3 thành phần chính: Kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; Kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số; các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu, cùng các dịch vụ trực tuyến trên mạng; Kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực. 
Nghệ An có doanh thu công nghệ thông tin không ngừng tăng; từ năm 2017 đến năm 2021 tăng 38,4%, cùng với đó là sự phát triển không ngừng của ngành viễn thông. Hình 2 cho thấy doanh thu viễn thông tăng trưởng rất tốt và chiếm tỷ trọng cao trong doanh thu bưu chính, viễn thông và hoạt động công nghệ thông tin. 
   
Hình 2: Doanh thu bưu chính, viễn thông và hoạt động công nghệ thông tin tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2021 (Nguồn: Niên giám tỉnh Nghệ An 2021)
Chỉ số ICT là thước đo mức độ sẵn sàng phát triển và áp dụng CNTT và TT trong lĩnh vực của mỗi địa phương; mỗi quốc gia. Chỉ số ICT của Nghệ An năm 2018 và 2019 đứng thứ 18, tuy nhiên đến năm 2020 chỉ số này giảm 8 bậc và xếp hạng thứ 26. Tuy nhiên, chỉ số dịch vụ CNTT của Nghệ An tăng lên 18 bậc với doanh thu từ dịch vụ CNTT là 120.007 triệu đồng; tại Nghệ An chưa có giá trị xuất khẩu liên quan đến sản xuất CNTT và dịch vụ CNTT.
Hình 3 cho thấy vốn đầu tư ngành Thông tin và truyền thông tại Nghệ An có xu hướng tăng trong giai đoạn 2018 – 2021. Bên cạnh đó thì chỉ số phát triển ngành Thông tin và truyền thông có xu hướng tăng trở lại vào năm 2021. 
 
Hình 3: Vốn đầu tư vào ngành Thông tin và truyền thông (Nguồn: Niên giám tỉnh Nghệ An 2021)
Về các cấu phần khác của kinh tế số, bao gồm: kinh tế nền tảng, kinh tế số các ngành thì số liệu hiện nay chưa được cập nhật đầy đủ. Nghệ An năm 2022 chỉ số xếp hạng TMĐT là 15/56 tỉnh tương đương 21,3 điểm; tại Bắc Trung Bộ, Nghệ An đứng thứ 3 sau Đà Nẵng và Bình Dương. Tuy đứng thứ 15/56 nhưng chỉ số TMĐT của Nghệ An các khá xa so với 2 tỉnh đứng đầu là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội; trong khi đó tại Bắc Trung Bộ có các tỉnh là Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa chưa có sàn thương mại điện tử của địa phương (Theo báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam 2022). 
Hạ tầng số
Nghệ An đã đầu tư đầy đủ hạ tầng mạng LAN, WAN và Internet trong các cơ quan, đơn vị của tỉnh đáp ứng nhu cầu trao đổi dữ liêu. Mạng truyền số liệu chuyên dùng tỉnh Nghệ An chính thức vận hành từ tháng 7/2019, triển khai với 823 cơ quan nhà nước, phục vụ vận hành phần mềm quản lý văn bản điều hành liên thông 4 cấp VNPT - Ioffice. Nghệ An đã hoàn thành việc xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu (Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội, cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách Bộ Tài chính) và đã chuẩn bị cho việc tích hợp các dịch vụ dùng chung khác vào hệ thống; tích hợp trục liên thông văn bản; hoàn thành thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với một số hệ thống thông tin của bộ, ngành Trung ương thông qua nền tảng kết nối, chia sẻ, tích hợp dữ liệu quốc gia.
Phát triển nguồn nhân lực số
Đội ngũ nhân lực của tỉnh hiện nay: 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo tin học và các ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng máy tính để xử lý công việc đạt 100%; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng internet để xư lý công việc đạt 100%. Tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức của tỉnh có chứng chỉ ứng dụng CNTT theo chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản trở lên theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT, ngày 11/3/2014 hoặc chứng chỉ tin học úng dụng A, B, C đã cấp, đạt gần 100%. 
Xét tổng thế, Nghệ An có tỷ trọng ngành Thông tin và truyền thông chiếm 3,36% GRDP xét theo tổng cơ cấu ngành; tỷ lệ lao động chiếm 0,26% lao động toàn tỉnh; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 93,3% đứng thứ 3 toàn tỉnh. Số doanh nghiệp hoạt ICT tại tỉnh năm 2021 là 113/125 doanh nghiệp toàn tỉnh. Trong ngành ICT; ngành chiếm tỷ trọng cao nhất là Lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và hoạt động khác liên quan đến máy vi tính chiếm 32% cơ cấu ngành. 
5. Mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và kinh tế số đến năm 2030
5.1 Mục tiêu phát triển kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân khoảng 11,1%/năm; trong đó, giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10,2%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 12,0%/năm.
- Cơ cấu GRDP: nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 14,0%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 42,4%; dịch vụ chiếm khoảng 38,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 4,8%; 
- Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt trên 24%;
- GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 3.568 USD; năm 2030 đạt khoảng 8.000 USD (giá hiện hành). 
- Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 15% năm; đến năm 2030 năng suất lao động bình quân đạt xấp xỉ 300 triệu đồng/lao động (giá hiện hành);
- Tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 12% năm (khoảng 48.000-50.000 tỷ đồng).
- Tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng; Tỷ lệ đô thị hóa: đến năm 2025 đạt 36%; đến năm 2030 đạt 40%;
5.2 Mục tiêu phát triển kinh tế số 
Tỉnh uỷ Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/8/2022 về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của Chuyển đổi số Nghệ an là hướng đến thực hiện mục tiêu toàn diện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trọng tâm là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp; phấn đấu luôn giữ vị trí thuộc nhóm 25 - 30 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về chuyển đổi số.
Bảng 1: Một số mục tiêu Chuyển đổi số của Nghệ An
Năm 2025 Năm 2030
Chính quyền số + 100% cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây.
+ 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng hoặc tự bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng số; 100% cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin.
+ Triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối với hệ thống hội nghị trực tuyến quốc gia.
+ Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.
+ 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước, hồ sơ công việc có nội dung mật).
+ 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được thực hiện trực tuyến và liên thông với hệ thống báo cáo quốc gia.
+ 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối, ứng dụng trên địa bàn tỉnh theo lộ trình của Chính phủ; từng bước hình thành cơ sở dữ liệu mở của tỉnh kết nối liên thông trên 80% cơ sở dữ liệu của các ban, sở, ngành để phục vụ quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, khai thác trọn đời.
+ Hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và dịch vụ số đồng bộ 3 cấp và kết nối với Trung ương; hoạt động giao dịch giữa các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp cơ bản được thực hiện trên các nền tảng công nghệ số.
+ 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 95% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 85% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước, hồ sơ công việc có nội dung mật).

Kinh tế số +Kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP.
+ Từ 80% người dân 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.
+ Phấn đấu có ít nhất từ 1 đến 2 cơ sở giáo dục triển khai đào tạo về thương mại điện tử; trên 3.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ kinh doanh, cán bộ công chức, viên chức, sinh viên, thanh niên khởi nghiệp được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về thực thi pháp luật và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử. Từng bước hình thành các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp số và hợp tác xã số.
+ 100% hộ sản xuất nông nghiệp được lập danh sách và chuẩn hóa, số hóa dữ liệu theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ 100% doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, sản xuất và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; trên 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số.

Xã hội số + Trên 50% người dùng thiết bị đầu cuối thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh.
+ 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
+ Triển khai thí điểm và nhân rộng các dịch vụ số (y tế, giáo dục, giao thông, an ninh, trật tự, du lịch...) thuộc hệ thống dịch vụ đô thị thông minh tại thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai.
+ Phát triển, nhân rộng các dịch vụ đô thị thông minh đến các trung tâm đô thị của tỉnh.
+ Trên 80% người dùng thiết bị đầu cuối thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh.
- 80% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
(Nguồn: Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Nghệ An)
6. Một số khuyến nghị về Đề án phát triển kinh tế số
Để có thể xây dựng Đề án phát triển kinh tế số của Nghệ An một cách có căn cứ khoa học và thực tiễn cao, phát huy được các tiềm năng và dư địa phát triển kinh tế số của tỉnh, một số vấn đề sau cần lưu ý:   
Mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thực trạng kinh tế số áp dụng cho tỉnh. 
- Đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh, bao gồm 3 thành phần chính: Kinh tế số công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; Kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số; Kinh tế số ngành trong các ngành, lĩnh vực..
- Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh, đặc biệt chú trọng đến phát triển các cấu phần kinh tế số đến năm 2030.
Các nội dung cụ thể của Đề án cần bao gồm:
• Cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế số và phát triển kinh tế số trên địa bàn 1 tỉnh: (i) Tổng quan về kinh tế số và phát triển kinh tế số, (ii) Kinh nghiệm phát triển kinh tế số của các quốc gia và bài học cho Việt Nam, (iii) Kinh nghiệm xây dựng Đề án phát triển kinh tế số của một số tỉnh/thành phố và bài học cho Nghệ An
• Đánh giá thực trạng kinh tế số và tác động của kinh tế số tới kinh tế tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2021, bao gồm: (i) Điều tra khảo sát thực trạng, (ii) Xác định các bộ tiêu chí và đánh giá thực trạng kinh tế số trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 – 2021, (iii) Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh theo các cấu trúc kinh tế số giai đoạn 2016 – 2021, (iv) Phân tích so sánh với một số địa phương và trung bình cả nước về phát triển kinh tế số.
• Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh, đánh giá tác động của phát triển kinh tế số tới kinh tế tỉnh Nghệ An. 
• Phân tích bối cảnh thế giới và trong nước tác động đến phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh; đánh giá tiềm năng phát triển và dự báo phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
• Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh đến năm 2030: Nghiên cứu quan điểm, định hướng và đề xuất các nhóm giải pháp cơ bản để phát triển kinh tế số tại tỉnh Nghệ An đến năm 2030.
Thực hiện thành công Đề án chuyển đổi số sẽ là một đóng góp quan trọng để Nghệ An trở thành một tỉnh văn minh, giàu mạnh, là môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống với những giá trị thiết thực cho người dân.



Tài liệu tham khảo
1. Tổ chức Data 61 (Úc), (2019) Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045”.
2. Google, Temasesk và Brain and Company, (2021) “Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á 2020”.
3. http://thongke.nghean.gov.vn/tin-hoat-dong/nghe-an-tang-truong-kinh-te-dung-thu-2-khu-vuc-bac-trung-bo-524276
4. http://www.vinhcity.gov.vn/?detail=56818/kinh-te/cong-bo-chi-so-pci-nghe-an-dan-dau-bac-trung-bo-dung-thu-19-ca-nuoc
5. http://www.vinhcity.gov.vn/?detail=62920/kinh-te/nghe-an-cac-chi-tieu-chu-yeu-den-nam-2025
6. http://www.vinhcity.gov.vn/?detail=64870/kinh-te/cong-bo-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-nam-2020-nghe-an-tang-6-bac
7. https://m.thuvienphapluat.vn/van-ban/cong-nghe-thong-tin/quyet-dinh-662-qd-ubnd-2021-phe-duyet-de-cuong-de-an-chuyen-doi-so-toan-dien-tinh-quang-ninh-468575.aspx
8. https://thoibaonganhang.vn/ban-giai-phap-phat-huy-loi-the-phat-trien-tieu-vung-bac-trung-bo-130162.html?zarsrc=10&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo
9. https://truyenhinhnghean.vn/thoi-su-chinh-tri/202203/chi-tiet-chi-so-xep-hang-cai-cach-hanh-chinh-cap-so-nganh-dia-phuong-tinh-nghe-an-nam-2021-d7874f5/
10. https://vienkinhteso.vn/viet-nam-day-manh-phat-trien-kinh-te-so-7911.html
https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/du-dia-tang-truong-cua-viet-nam-nam-o-kinh-te-so-775481.html
11. https://www.dbndnghean.vn/nghe-an-lan-dau-tien-vao-top-10-dia-phuong-thu-hut-von-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-lon-nhat-ca-nuoc-5648.htm
12. Ngô Mai Phương (2022), “Một số ý kiến về phát triển cơ cấu ngành kinh tế số tại tỉnh Nghệ An”.
13. Tỉnh uỷ Nghệ An, (2022), “”Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết số 26-nq/tw, ngày 30/7/2013 của  bộ chính trị khóa xi về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”” (phần kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh) 
14. Trần Thọ Đạt, Tô Trung Thành (chủ biên), (2020). “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên - 2019: Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số”, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân.


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây