Vài suy nghĩ về xác định các ngành và lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi số ở Nghệ An

Thứ hai - 05/12/2022 04:21 0
Ví như ước mơ di chuyển “đi mây về gió”. Không chỉ chế tạo ra xe máy, ô tô, tàu hoả, tàu thuỷ để tăng nhanh tốc độ di chuyển, mà loài người còn chế tạo ra máy bay, tên lửa, tàu vũ trụ có vận tốc di chuyển như “đi mây về gió”. Tốc độ máy bay hiện thời có thể đạt đến 1 km/ giây (3600 km/h), trong khi tốc độ tên lửa đạn đạo lên tới 11,376 km/giây. Hơn thế nữa, từ khi công nghệ kỹ thuật số xuất hiện cùng internet, tốc độ “di chuyển” của con người tăng lên vượt bậc. Giữa 2 điểm cách nhau 20 000 km trên bề mặt trái đất, con người có thể liên lạc với nhau, nhìn thấy nhau, nói chuyện với nhau gần như tức thì. Dẫu còn quá bé so với tốc độ ánh sáng 300 000 km/giây, nhưng con người đã không ngừng gia tăng độ dài sải chân mình trong vũ trụ.
Nhắc đến sự liên hệ gần như tức thì giữa con người trên hành tinh là để nhấn mạnh đến vai trò công nghệ kỹ thuật số trong môi trường internet. Không biết công nghệ kỹ thuật số thì không theo kịp tiến bộ nhân loại. Hiểu biết về công nghệ kỹ thuật số là một đòi hỏi bắt buộc khẩn thiết. Quốc gia nào tụt hậu về công nghệ, quốc gia đó kém thế về kinh tế, và bị đánh bại khi chiến tranh xẩy ra.
Quốc gia có trình độ công nghệ số tiên tiến nhất hiện nay là Hoa Kỳ. Chuyển đổi kỹ thuật số bắt đầu ở Hoa Kỳ từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Từ khi internet xuất hiện, khoảng cách về chuyển đổi kỹ thuật số giữa Hoa Kỳ so với các quốc gia khác càng gia tăng. Cương quyết và mạnh hơn nữa trên mặt trận chuyển đổi số, ngày 23/5/2012 Chính phủ Hoa Kỳ đã “pháp luật hoá” tiến trình chuyển đổi kỹ thuật số bằng “Chiến lược Chính phủ Kỹ thuật số ([1], Digital Goverment Strategy, https://www.state.gov/digital-government-strategy/). Theo đó, “Chiến lược Chính phủ Kỹ thuật số”  sẽ cung cấp dịch vụ kỹ thuật số toàn diện và tốt hơn cho người dân Hoa Kỳ. Và các cơ quan của Chính phủ Hoa Kỳ được yêu cầu phải xây dựng một “Chính phủ Kỹ thuật số” của thế kỷ 21 để cung cấp dịch vụ kỹ thuật số tốt nhất cho người dân.
Nhưng bước tiến dài (không công bố) trong chuyển đổi kỹ thuật số của Hoa Kỳ lại thuộc về lĩnh vực quân sự. Gần đây nhất Bộ quốc phòng Mỹ đã hé mở một phần góc độ này qua tài liệu “Army Digitan Transformation Strategy”(ADTC), [2], https://www.army.mil/standto/archive/2021/11/19/#:~:text=The%20Army%20Digital%20Transformation%20Strategy,%2Ddomain%20operations%20(MDO). Trong đó chỉ rõ “Chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số của quân đội”(ADTC) là chiến lược mà quân đội phải triển khai chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện về công nghệ, quy trình và con người. Mục tiêu là vào năm 2028 phải có một “Quân đội Kỹ thuật số” toàn diện, có khả năng vượt trội trong các hoạt động đa miền (MDO - Multi-domain operations).
Không để Hoa Kỳ một mình dẫn đầu, Liên Minh Châu Âu (EU) cũng có những bước đi dài khẩn trương trong chuyển đổi kỹ thuật số. Quyết tâm thực hiện “Thập kỷ Kỹ thuật số”, tập trumng vào dữ liệu, công nghệ và cơ sở hạ tầng, Uỷ ban EU để xuất một chiến lược chuyển đổi số độc lập, dựa trên phát minh của chính mình, không lệ thuộc vào người khác  ([3], A Euro fit for the digital age, https://ec.europa.eu/info/strategy/priorities-2019-2024/europe-fit-digital-age_en)
Mục tiêu chuyển đổi số phục vụ con người của EU còn được đề cao qua việc “luật hoá” khái niệm “quyền công dân kỹ thuật số” như là quyền con người ([4], Digital citizenship: rights and principles for Europeans, https://ec.europa.eu/info/strategy/priorities-2019-2024/europe-fit-digital-age/europes-digital-decade-digital-targets-2030_en#digital-citizenship-rights-and-principles-for-europeans).
Theo đó, có 3 quyền cốt lõi: Con người ở trung tâm, Tự do lựa chọn, An toàn và bảo mật.
Về quyền “con người ở trung tâm” thì:
“Công nghệ kỹ thuật số phải bảo vệ quyền con người, hỗ trợ nền dân chủ và đảm bảo rằng những người chơi kỹ thuật số hành động có trách nhiệm và an toàn. EU thúc đẩy giá trị này trên toàn thế giới”. 
Về quyền “Tự do lựa chọn” thì:
“Mọi người  sẽ được hưởng lợi từ môi trường trực tuyến công bằng, an toàn trước các nội dung bất hợp pháp và có hại, đồng thời được trao quyền khi họ tương tác với các công nghệ mới và đang phát triển như trí tuệ nhân tạo”.
Về quyền “An toàn và bảo mật” thì:
“Môi trường kỹ thuật số phải an toàn và bảo mật. Tất cả người dùng, từ thời thơ ấu đến tuổi già, nên được trao quyền và được bảo vệ”.
Trong quan hệ với các đối tác quốc tế, EU sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự kỹ thuật số lấy con người làm trung tâm trên phạm vi toàn cầu, thúc đẩy sự liên kết  hoặc hội tụ với các quy tắc và tiêu chuẩn của EU. 
Viện dẫn ra hai khu vực tiên tiến nhất về chuyển đổi kỹ thuật số là Hoa Kỳ và EU là để thấy tính cấp thiết phải tiến hành chuyển đổi số khẩn trương và toàn diện cho Việt Nam. Vậy trong muôn vàn điểm bắt đầu của tiến trình chuyển đổi kỹ thuật số, phải xuất phát sớm nhất từ đâu? 
1. LĨNH VỰC VÀ NGÀNH NGHỀ TRỌNG TÂM
1.1. Hạ tầng cơ sở 
Hạ tầng cơ sở kỹ thuật số là nền tảng quyết định sự phát triển kỹ thuật số. Vì vậy, khắp mọi nơi từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, tại mọi địa điểm đều phải được phủ sóng Wi-Fi, đều có thể tiếp cận được intenert. Không chỉ được phủ Wi-Fi, mà phải được thâm nhập intenert với tốc độ cao, với khả năng chuyển tải dữ liệu lớn.
Cần thiết phải lưu ý rằng, Việt Nam không phải là nước sáng chế các công nghệ kỹ thuật số, mà là nước sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Cho nên, muốn theo kịp tiến bộ toàn cầu thì Việt Nam cần mua ngay công nghệ mới nhất có trong thương mại, chứ không chờ công nghệ mới nhất đang trong giai đoạn nghiên cứu ở phòng thí nghiệm. Cụ thể là Việt Nam phải triển khai ngay công nghệ 5G. Việt Nam không thể bỏ qua 5G để chờ đến khi có 6G mới ứng dụng 6G. Với các nước không có khả năng sáng chế công nghệ mới nhất thì không thể áp dụng phương châm “đi tắt đón đầu”. Nếu Việt Nam áp dụng phương châm “đi tắt đón đầu” chờ 6G đưa vào thương mại, thì lúc đó 7G sắp ra đời, 8G đang thử nghiệm, 9G đang bắt đầu nghiên cứu…Như vậy, 6G lại rơi vào tình thế của 5G hiện nay.
Không chỉ trong công nghệ kỹ thuật số, mà trong mọi lĩnh vực công nghệ, nếu không phải là quốc gia sở hữu công nghệ nguồn cạnh tranh quốc tế, thì không thể ngồi chờ mua công nghệ mới nhất theo phương châm “đi tắt đón đầu”. Mở rộng ra cho các lĩnh vực khác, chẳng hạn ô tô, đường sắt cao tốc, tàu ngầm, tên lửa…nhận định trên đều bảo toàn hiệu lực.
Về phương diện này, trong các nước Asean, Singapore là quốc gia có chiến lược hợp lý. Bất kể lĩnh vực nào, khi công nghệ đời mới nhất xuất hiện trên thị trường thì lập tức Singapore là quốc gia thuộc vào nhóm khách hàng đầu tiên. Chúng ta đã tự thấy, Singapore Airlines là khách hàng đầu tiên mua Airbus 380, Singapore là nhóm khách hàng đầu tiên của F 35, các bệnh viện của Singapore có đủ các thiết bị y tế hiện đại đời mới nhất…Trong kinh tế, thương mại, dịch vụ - các doanh nghiệp Singapore luôn sở hữu công nghệ đời mới nhất có trên thị trường. Singapore, nhờ thế, tuy không phải là nước sáng chế công nghệ, nhưng lại là nước luôn ở trong trạng thái sử dụng công nghệ tân tiến. Bởi thế, trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số, Việt Nam nên nhìn sang thí dụ Singapore để có thêm kinh nghiệm.
Do vậy, ưu tiên đầu tiên của Nghệ An trong quá trình chuyển đổi số là phải xây dựng một hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin phát triển. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin của Nghệ An phải mạnh, phải sở hữu công nghệ mới nhất của thế giới, và bản thân các doanh nghiệp này phải tự mình chuyển đổi số trước. 
Điều đó có nghĩa là internet phải được phủ diện rộng trên toàn lãnh thổ Nghệ An với công nghệ mới nhất.  Điều đó nhắc nhở là 5G phải được gấp rút triển khai ở Nghệ An.
Địa hình rộng lớn và hiểm trở của Nghệ An là thách thức lớn cho bài toán tiếp cận internet tại mọi địa điểm. Và ở đây, bài học về mạng starlinks của Elon Musk cần được soi chiếu.
1.2. Khối quản lý, các ngành bưu chính viễn thông và ngân hàng phải chuyển đổi số trước 
Các đối tượng nào phải chuyển đổi số trước tiên? 
Ở nước ta, kinh tế nhà nước hiện đang giữ vai trò chủ đạo. Sở hữu toàn dân và lãnh đạo toàn diện làm cho quá trình chuyển đổi số của nước ta có khác với các quốc gia “sở hữu tư nhân”.
- Khối các cơ quan hành chính của nhà nước, của tỉnh, các sở ban ngành phải là nơi đầu tiên thực hiện chuyển đổi số toàn diện. Mọi thủ tục hành chính, mọi quyết định hành chính, mọi tác nghiệp quản lý phải được thực thi trong môi trường kỹ thuật số. Sự đi đầu của các cơ quan quản lý nhà nước trong môi trường kỹ thuật số tự động buộc các doanh nghiệp và các cá nhân phải tham gia theo.
Các ngành bưu chính viễn thông, ngân hàng - phải đi tiên phong trong chuyển đổi số.  Chuyển đổi số trong hai ngành này có tác động quan trọng đến chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.
1.3. Chuyển đổi số các doanh nghiệp là chìa khóa 
Phải nhận thấy rằng, các doanh nghiệp là động cơ của sự phát triển kinh tế. Từ đó để suy ra, các doanh nghiệp là đối tượng mang tính chìa khoá trong chuyển đổi kỹ thuật số. Các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, tư nhân và nhà nước, nội địa và quốc tế, phải đồng loạt chuyển đổi sang môi trường kỹ thuật số.
Trong tập hợp các doanh nghiệp cần chuyển đổi số, thì mức độ gấp rút cần chuyển đổi số đươc phản ánh theo thang bậc sau đây.
- Các doanh nghiệp nước ngoài và có vốn đầu tư nước ngoài.
- Các doanh nghiệp có sản phẩm bán ra nước ngoài và mua hàng hoá từ nước ngoài.
- Các doanh nghiệp có yếu tố hợp tác với nước ngoài.
- Các doanh nghiệp liên quan đến xuất nhập khẩu.
- Các doanh nghiệp muốn vươn tầm quốc gia, khu vực, và quốc tế.
Dẫn ra thứ tự trên không có nghĩa là thực tiễn phải tuần tự như vây. Trên thực tế, mọi doanh nghiệp đều có thể tự dành cho mình quyền chuyển đổi số đầu tiên.
1.4. “Chuyển đổi số toàn dân” 
Chuyển đổi kỹ thuật số là nhằm phục vụ tốt hơn cho con người. Hay nói cách khác, con người là trung tâm của chuyển đổi kỹ thuật số. Chuyển đổi số toàn diện là mang môi trường kỹ thuật số đến với tất cả mọi người. Hay nói cách khác, biến mỗi người dân thành một người chơi kỹ thuật số. Tức là thúc đẩy quá trình “chuyển đổi số toàn dân”.
Đầu năm 2022, tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam đạt 72,1 triệu người, chiếm 73,2% tổng dân số 98,56 triệu người ([5], Báo cáo toàn cảnh digital Việt Nam 2022 https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/323902-Data-Station-25-Digital-2022-So-nguoi-dung-Viet-quan-ngai-ve-an-toan-du-lieu-giam-gan-1-nua-so-voi-nam-2020), và xếp thứ 13 trên toàn thế giới theo số lượng tuyệt đối ([6], Countries with the largest digital populations in the world as of January 2022, https://www.statista.com/statistics/262966/number-of-internet-users-in-selected-countries/). Đây là một thuận lợi lớn để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ người chơi kỹ thuật số thuộc nhóm hàng đầu thế giới, biến mục tiêu “mỗi người dân là một người chơi kỹ thuật số” dần thành hiện thực, và kéo theo là đưa đến “chuyển đổi số toàn dân”. 
Trong thực tiễn, nước ta đã tiến hành nhiều chiến dịch mang tính toàn dân. Chẳng hạn như phong trào “bình dân học vụ” để xoá nạn mù chữ trên toàn quốc đã được phát động ngày 08/9/1945 ngay sau khi Việt Nam dành được độc lập ([7], Bình dân học vụ, https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%ACnh_d%C3%A2n_h%E1%BB%8Dc_v%E1%BB%A5). Một phong trào “chuyển đổi số toàn dân” tương tự có thể triển khai vào giai đoạn tới là điều khả thi. So với hoàn cảnh năm 1945 của “ bình dân học vụ” thì tình thế của “chuyển đổi số toàn dân” hiện nay thuận lợi hơn nhiều. EU đã tuyên bố “Thập kỷ kỹ thuật số” thì Việt Nam không thể chậm trễ trên con đường “chuyển đổi số toàn dân”.
Một đề nghi thiết thực cho Nghệ An là hãy mạnh dạn và không chậm trễ vạch ra một lộ trình cụ thể cho “ chuyển đổi số toàn dân”.
1.5. Thanh toán điện tử và thương mại điện tử đi trước một bước
Nhưng từ sử dụng internert đến tham gia thị trương thương mại kỹ thuật số còn là một khoảng cách. Hiện tại, số đông người dùng internet ở Việt Nam đang lấy giải trí làm mục đích chủ đạo. Chỉ một tỷ lệ không lớn trong số người dùng internet đã biết hương việc sử dụng internet vào sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Phải thúc đẩy để phần lớn người dùng internet trở thành những người tham gia thị trường kỹ thuật số, phục vụ mọi mặt của nhu cầu đời sống, trong đó sản xuất  sản phẩm, buôn bán sản phẩm và dịch vụ là những lĩnh vực quan trọng cần chú trọng thúc đẩy.
Một trong những biện pháp hiệu quả là thanh toán điện tử. Bước đầu là thúc ép. Từ thúc ép dần trở thành thói quen. Thanh toán điện tử là nhóm công cụ cần đi trước một bước. Từ thanh toán điện tử sẽ chuyển sang tham gia thị trường thương mại điện tử. Ở giai đoạn này cần có sự trợ giúp của các nhân tố ngoại: của cơ quan quản lý, của các doanh nghiệp chuyên môn, của các đối tác hợp tác.
2. NHỮNG YẾU TỐ CẦN THIẾT KHÁC
2.1. Văn hóa kỹ thuật số 
Kỹ thuật số là một nhu cầu bức thiết của đời sống hiện đại. Không biết kỹ thuật số, không theo kịp tiến bộ địa phương xung quanh và tụt hậu xa với tiến bộ toàn cục của toàn cầu. Không sở hữu công nghệ kỹ thuật số, sẽ không đắpngs được nu cầu việc làm và không thoả mãn được nhu cầu văn hoá. Tóm lại, không sở hữu công nghệ kỹ thuật số, thì bị tụt hậu và đời sống vật chất lẫn tinh thần bị nghèo nàn, khiếm khuyết.
Kỹ thuật số là nhu cầu bức thiết của đời sống hiện đại. Nhưng muốn sở hữu công nghệ kỹ thuật số, thì áp lực của cuộc sống là chưa đủ, mà còn phải cần đến văn hoá kỹ thuật số. Nghĩa là phải biến kỹ thuật số thành một nhu cầu văn hoá.
“Văn hoá kỹ thuật số”, không đơn thuần là sở thích, đam mê, ép buộc, mà cần phải có nền tảng giáo dục. Nền tảng giáo dày công đến mức biến hình thành “truyền thống”. Chỉ khi có một nền tảng giáo dục về kỹ thuật số thấm đậm chất “truyền thống” , thì “văn hoá kỹ thuật số” mới được nâng lên một tầm khác, từ đó sự sở hữu kỹ thuật số mới được “thăng hoa”.
Khi nói đến “văn hoá kỹ thuật số” có nền tảng truyền thống, cũng là lúc nhắc nhở rằng ở một mặt thì cần phải đẩy mạnh đẩy nhanh chuyển đổi số, nhưng ở mặt khác thì phải tiến hành bài bản, vững chắc không cẩu thả, không vội vã.
Khi nói đến “văn hoá kỹ thuật số” có nền tảng truyền thống cũng là lúc nhắc nhở rằng người có địa vị phải làm gương đi trước. Nghĩa là lãnh đạo phải có “văn hoá kỹ thuật số” trước nhân viên, người lớn phải có “văn hoá kỹ thuật số” sớm hơn trẻ em, thầy cô giáo phải có “văn hoá kỹ thuật số” để truyền dạy cho học sinh…Tóm lại, người có thế phải có “văn hoá kỹ thuật số” trước người yếu thế. 
Cho nên, lãnh đạo phải có “văn hoá kỹ thuật số”, phải sở hữu công nghệ kỹ thuật số, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin phải tiên phong trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp lớn chủ đạo của nhà nước phải đi đầu trong chuyển đổi số - thì quá trình chuyển đổi số trong toàn xã hội mới có thể thay đổi nhanh.
2.2. Hợp tác trong nước và quốc tế 
Mày mò tự học là chỉ để cho các trường hợp “vạn bất đắc dĩ”. Để quá trình chuyển đổi số tiến hành nhanh và  bài bản, thì cần đến sự hợp tác của các doanh nghiệp có chuyên môn và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số. Sự hợp tác được tiến hành đồng thời với các đối tác trong nước và quốc tế - tuỳ thuộc vào hoàn cảnh.
Sự hợp tác dễ tìm kiếm là các đối tác trong nước. Các cơ quan, tổ chức (nhà nước hay tư nhân), khi chuyển đổi số trước hết nên nhờ đến sự trợ giúp của các doanh nghiệp Việt Nam. Vừa tiết kiệm được chi phí, vừa là cách trao cơ hội cho các doanh nghiệp nội để cùng nhau phát triển. 
Một hình thức chuyển đổi số hiệu quả khác là hợp tác với các đối tác nước ngoài. Chính các doanh nghiệp nước ngoài, nhờ vào mặt bằng chuyển đổi số của quốc gia họ mà họ sở hữu trọn bộ các phương tiện thiết bị và các gói phần mềm của doanh nghiệp hoạt động trong môi trường kỹ thuật số. Phương thức hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài là con đường ngắn nhất đưa doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với mặt bằng quốc tế.
3. NHÌN RA BÊN NGOÀI
Tầm quan trọng của chuyển đổi kỹ thuật số thiết nghĩ không cần nhắc lại ở đây. Nhưng muốn tiệm cận với các nước tiên phong trong môi trường kỹ thuật số, ngoài hai thân hình khổng lồ là Hoa Kỳ và EU đã nhắc ở trên, thì nhóm G20 cũng đã đề cập đến chiến lược chuyển đổi số. Cụ thể là trong “Các vấn đề then chốt cho chuyên đổi số trong G20”  đã đưa ra 11 khuyến nghị ([8], Các vấn đề then chốt cho chuyên đổi số trong G20, 
https://www.oecd.org/G20/key-issues-for-digital-transformation-in-the-G20.pdf). Từ đó để thấy, cuộc chạy đua chuyển đổi số trong thời đại kỹ thuật số là không khoan nhượng. Doanh nghiệp là động lực của nền kinh tế. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhìn đến thí dụ chuyển đổi số của các doanh nghiệp nước ngoài để có quyết sách phù hợp. Thử lướt qua một số thí dụ. 
Các thí dụ điển hình của chuyển đổi số đề cập dưới đây là các tay chơi kỹ thuật số khổng lồ gồm Amazon, Google, Apple, Facebook, Netflix, Zappos, Walmart. Mỗi công ty này đều có một con đường chuyển đổi số độc đáo của riêng mình. Nhưng tất cả đều có chung một đặc điểm là luôn tự thay đổi theo thời gian.
Ví như Amazon được thành lập vào năm 1994 và chủ yếu được biết đến với việc bán sách trực tuyến. Nhưng đến năm 2000, Amazon đã trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới. Ngày nay, Amazon bán hầu hết mọi thứ có thể tưởng tượng được, bao gồm quần áo, đồ điện tử, đồ chơi, đồ nội thất, thực phẩm, v.v.
Còn Google bắt đầu như một công cụ tìm kiếm vào năm 1998. Đến năm 2004, Google trở thành cổng web hàng đầu thế giới. Ngày nay, Google thống trị thị trường tìm kiếm ( chiếm khoảng 86%-96%) và cung cấp một loạt các dịch vụ khác, bao gồm email, bản đồ, nhạc, video, lưu trữ đám mây, v.v.
Apple thì bắt đầu là một nhà sản xuất máy tính vào năm 1976. Mãi đến năm 1997, Steve Jobs mới trở lại công ty và biến nó thành một cường quốc điện tử tiêu dùng. Ngày nay, Apple được biết đến nhiều nhất với các thiết bị iPhone, iPad, máy tính Mac và iPod.
Facebook ban đầu được tạo ra như một cách để các sinh viên tại Đại học Harvard giữ liên lạc với nhau. Kể từ đó, Facebook đã phát triển thành một hiện tượng toàn cầu với 2, 934 tỷ người dùng trên toàn thế giới vào thời điểm tháng 7/2022. Lượng người dùng facebôk ở Việt Nam vào thời điểm tháng 1/2022 là 80 878 700 người chiếm 80,3% toàn dân số ([9], https://napoleoncat.com/stats/facebook-users-in-viet_nam/2022/01/).
Netflix được thành lập vào năm 1997 với tư cách là một dịch vụ cho thuê DVD. Ngày nay, nó là nền tảng phát trực tuyến phổ biến nhất trên thế giới.
Zappos được thành lập vào năm 1999 với tư cách là một cửa hàng giày. Ngày nay, nó là một trong những trang web Thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Walmart được thành lập vào năm 1962 như một chuỗi cửa hàng tạp hóa giảm giá nhỏ. Ngày nay, nó hoạt động như một gã khổng lồ bán lẻ quốc tế với các chuỗi cửa hàng trên toàn cầu.
Các công ty vừa nêu, từ ban đầu thành lập đều là các doanh nghiệp bình thường, ít tiếng tăm, và chưa biết cách ứng dụng công nghệ để phát triển. Nhưng với thời gian, thử nghiệm, thay đổi, sau các thất bại họ đã học được cách thích nghi, phát triển và trưởng thành vượt bậc. Chuyển đổi kỹ thuật số là một quá trình. Xuyên suốt là ứng dụng công nghệ mới. Đặc trưng là thành công và thất bại đan xen. Nhưng tổng hợp lại là không ngừng phát triển, mở rộng.
Chìa khoá cho mọi thành công là tài năng của lãnh đạo. Không tránh được sai và không thoát khỏi thất bại, nhưng tầm nhìn xa với sự dũng cảm thích nghi bền bỉ xuyên suốt luôn là các nhân tố tích cực góp phần đưa tới thành công.
Trọng tâm của chuyển đổi số, trước hết của mọi đầu tiên, là chuyển đổi số trong tư duy của lãnh đạo. 



TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1], Digital Goverment Strategy, https://www.state.gov/digital-government-strategy/).
[2], Army Digitan Transformation Strategy”, https://www.army.mil/standto/archive/2021/11/19/#:~:text=The%20Army%20Digital%20Transformation%20Strategy,%2Ddomain%20operations%20(MDO)
[3], A Euro fit for the digital age, https://ec.europa.eu/info/strategy/priorities-2019-2024/europe-fit-digital-age_en)

[4], Digital citizenship: rights and principles for Europeans, https://ec.europa.eu/info/strategy/priorities-2019-2024/europe-fit-digital-age/europes-digital-decade-digital-targets-2030_en#digital-citizenship-rights-and-principles-for-europeans
[5], Báo cáo toàn cảnh digital Việt Nam 2022 https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/323902-Data-Station-25-Digital-2022-So-nguoi-dung-Viet-quan-ngai-ve-an-toan-du-lieu-giam-gan-1-nua-so-voi-nam-2020)
[6], Countries with the largest digital populations in the world as of January 2022, https://www.statista.com/statistics/262966/number-of-internet-users-in-selected-countries/)
[7], Bình dân học vụ, https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%ACnh_d%C3%A2n_h%E1%BB%8Dc_v%E1%BB%A5).
[8], Các vấn đề then chốt cho chuyên đổi số trong G20, 
https://www.oecd.org/G20/key-issues-for-digital-transformation-in-the-G20.pdf)
([9],Facebook users in Vietnam,  https://napoleoncat.com/stats/facebook-users-in-viet_nam/2022/01/).


Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây