Vốn xã hội - Tài sản cho phát triển du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An

Thứ năm - 04/11/2021 05:21 0
1. Mở đầu
Luật Du lịch (2017) và Công bố năm 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ về “Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch cộng đồng - Yêu cầu chất lượng” đã xác định: “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi”. Qua đó, cho thấy du lịch cộng đồng là hình thức du lịch được phát triển và quản lý bởi cộng đồng nhằm hướng tới việc cải thiện điều kiện kinh tế và bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống. Trên cơ sở đó cũng đề cao sự tham gia chủ động của cộng đồng địa phương, do cộng đồng và vì cộng đồng.

Để phát triển du lịch cộng đồng, cần có nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có vốn xã hội. Theo khung phân tích sinh kế bền vững do Bộ phát triển Vương quốc Anh (DFID 1999), vốn xã hội được coi là một trong năm nguồn vốn (tài sản) quan trọng dựa trên quan niệm cho rằng con người sử dụng năm loại vốn (tài sản) để đảm bảo sinh kế bền vững gồm: vốn vật chất (physical capital), vốn con người (human capital), vốn xã hội (social capital), vốn tài chính (financial capital) và vốn tự nhiên (natural capital). Mặc dù là khái niệm khá mới mẻ ở nước ta, nhưng vốn xã hội đang ngày càng được coi như một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, trong đó có phát triển du lịch cộng đồng (Đỗ Thị Thanh Hoa, 2020). Từ khía cạnh tích cực, vốn xã hội sẽ giúp huy động các nguồn lực như nhân lực, tài chính, đất đai… nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng và tăng khả năng tiếp cận thị trường, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Bài viết này tập trung vào việc trình bày vai trò của vốn xã hội như một tài sản quan trọng đối với phát triển du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An ở các khía cạnh như: sự gắn kết, mạng lưới xã hội và sự tin cậy.

2. Vốn xã hội

Trước khi có sự xuất hiện khung sinh kế bền vững của DFID (1999), khái niệm vốn xã hội đã được các nhà khoa học phương Tây đưa ra, trong đó có lẽ phải kể đến các nhà lý thuyết lớn như: Pierre Bourdieu, James Coleman và Robert Putnam… Mặc dù các học giả này có quan điểm khác nhau về vốn xã hội, nhưng họ đã có những đóng góp quan trọng vào việc đề xuất và hiểu rõ hơn khái niệm vốn xã hội.

Bourdieu (1986) cho rằng con người là sản phẩm của lịch sử, của giai cấp, và bất cứ ai cũng có những bất lợi, hoặc những lợi thế, do mạng lưới cá nhân của người ấy. Nếu thiếu mạng lưới đó (mà giá trị của nó là vốn xã hội) thì cá nhân cần phải cố gắng vượt bậc để gây dựng các loại vốn. Những cản trở do thiếu vốn xã hội là lý do khiến chênh lệch trong xã hội tồn tại lâu dài. Bourdieu đã phân biệt ba loại vốn gồm: kinh tế, văn hoá, và xã hội. Trong đó ông cho rằng vốn xã hội là toàn bộ nguồn lực (thực tế hoặc tiềm ẩn) xuất phát từ mạng luới quen biết trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhờ mạng lưới ấy mà những cá nhân, gia đình, hay tập thể có được giá trị trong sử dụng nó như là một loại “vốn” để thực hiện mục đích của mình.

Coleman (1988) cho rằng vốn xã hội có vai trò quan trọng và có đóng góp vào sự hình thành của vốn con người. Theo Coleman, “vốn xã hội” có ba đặc tính: 1) Vốn xã hội phụ thuộc vào mức độ mà con người trong xã hội tin cậy lẫn nhau; 2) Bao hàm trong vốn xã hội là những liên hệ xã hội mang đặc tính của truyền thông; 3) Vốn xã hội càng lớn nếu xã hội càng có nhiều chuẩn mực (norms), đặc biệt là những chuẩn mực có kèm trừng phạt.

Cũng giống như James Coleman, Robert Putnam (1995) cho rằng “vốn xã hội” là những mạng lưới xã hội và những liên hệ qua lại trong xã hội, những chuẩn mực cho phép cá nhân cũng như tập thể giải quyết những vấn đề, và đạt những mục tiêu, mà cộng đồng chia sẻ.

Trong những năm gần đây, sự bùng nổ của internet, mạng xã hội online và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã có ảnh hưởng không nhỏ đến vốn xã hội của người dân. G. David Garson (ed. 2000) trong nghiên cứu về “Cộng đồng ảo và vốn xã hội” đã phát triển lý thuyết về vốn xã hội của Robert Putnam để giải thích ảnh hưởng về vốn xã hội của cộng đồng và sự tham gia của người dân. Thông qua việc nghiên cứu về giao tiếp của con người qua trung gian là máy tính cho thấy cộng đồng ảo đã giúp mạng lưới, chuẩn mực và lòng tin của vốn xã hội tăng lên khi các cộng đồng ảo phát triển xung quanh các cộng đồng dựa trên thực tế và khi các cộng đồng ảo này bổ sung,  thúc đẩy vốn xã hội trong cộng đồng thực tế.

Norris (2002) cho rằng internet thúc đẩy vốn xã hội thông qua chức năng là cầu nối liên kết con người với nhau. Nghiên cứu này đã phân biệt giữa vốn xã hội ở “ngoại tuyến” và “trực tuyến”. “Vốn xã hội ngoại tuyến” là các mối quan hệ xã hội được tạo ra trong thế giới thực với lợi ích cho người đó trong bối cảnh cộng đồng thế giới thực. “Vốn xã hội trực tuyến” bao gồm các mối quan hệ xã hội được tạo trực tuyến bằng cách sử dụng internet để kết nối những người sống trong cùng một cộng đồng với nhau trên internet. Vốn xã hội “trực tuyến” và “ngoại tuyến” đều có một phần chức năng làm cầu nối liên kết con người để tạo ra các mạng lưới dựa trên sở thích, ý tưởng hoặc đặc điểm nhân khẩu học...

Nhìn chung, nội hàm khái niệm vốn xã hội rất đa dạng và thuật ngữ này vẫn chưa có được một cách đầy đủ và đồng nhất. Tuy nhiên, vốn xã hội có thể được hiểu bao gồm thể chế, sự gắn kết, niềm tin (sự tin cậy), có đi có lại, chuẩn mực và mạng lưới xã hội.… chi phối sự tương tác giữa con người với nhau và từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch cộng đồng nói riêng.

3. Vốn xã hội: Tài sản quan trọng cho phát triển du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An

Du lịch cộng đồng được coi là mội loại hình du lịch bền vững giúp giảm nghèo và phát triển kinh tế của người dân địa phương. Mục tiêu của du lịch cộng đồng là thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào việc vận hành và quản lý các dự án du lịch nhằm mang lại thu nhập cho cộng đồng. Bên cạnh đó, hình thức du lịch này còn đề cao văn hóa truyền thống địa phương cũng như các di sản thiên nhiên sở tại. Việc thực hiện quản lý du lịch cộng đồng có thể được thực hiện trực tiếp bởi người địa phương, nhóm cộng đồng… hoặc có thể được sự trợ giúp của một cơ quan tài trợ nào đó.

Khu vực miền Tây tỉnh Nghệ An bao gồm 11 huyện, thị xã, có diện tích 13.745 km2 (chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh), dân số trên 1.197.628 người (chiếm 41% dân số toàn tỉnh). Trong đó, người dân tộc thiểu số là 491.295 người (chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh và chiếm 36% dân số miền Tây tỉnh Nghệ An); có 39 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số có số lượng nhiều là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông và Ơ Đu (Phan Thanh Đoài, 2019). Đây là khu vực có môi trường, cảnh quan sinh thái khá hoang sơ, diện tích rừng rộng lớn, đa dạng và khu dự trữ sinh quyển có tầm quan trọng bậc nhất của khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, các tộc người thiểu số sinh sống ở miền Tây Nghệ An còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc tộc người như: nhà ở, trang phục, ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo, chuẩn mực và các giá trị riêng tạo nên sự đa dạng trong văn hóa tộc người ở khu vực này. Những đặc trưng về cảnh quan và văn hóa tộc người là một lợi thế không nhỏ thu hút khách du lịch đến với vùng đất này. Để phát huy được lợi thế đó, vai trò của cộng đồng địa phương rất quan trọng bởi họ là chủ nhân sáng tạo, lưu giữ văn hóa, là đối tượng trực tiếp trình diễn, chia sẻ các giá trị văn hóa ấy cho du khách, đồng thời là những người tổ chức và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch đó. Huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng sẽ góp phần huy động tổng hợp các nguồn lực để giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong tiến trình phát triển kinh tế của khu vực này trong thời gian tới, trong đó cần coi vốn xã hội như một tài sản quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng vì một số lý do sau đây:

Một là, vốn xã hội giúp gắn kết cộng đồng với nhau và tạo điều kiện cho sự thành công của các quyết định hoặc các hành động mang lợi ích tập thể. Putnam (1993) khẳng định rằng vốn xã hội tạo điều kiện cho sự hợp tác, cho phép mọi người giải quyết các vấn đề tập thể dễ dàng hơn. Nghiên cứu của Kay (2006), Macbeth và cộng sự (2004) cũng cho thấy vốn xã hội có vai trò quan trọng để hỗ trợ sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch, đặc biệt là trong việc quy hoạch du lịch đòi hỏi sự hợp tác giữa các bên liên quan.

Phần lớn các tộc người thiểu số ở miền Tây Nghệ An có truyền thống sinh sống cùng nhau ở cấp bản làng theo tộc người, họ thường có sự gắn kết khá bền chặt về mặt dòng họ, tộc người dựa trên các giá trị chung được thể hiện qua tôn giáo, tín ngưỡng, luật tục... Các tộc người như Thái, Khơ Mú hay Mông là một thực thể xã hội có điều kiện lịch sử cụ thể, có không gian sinh tồn riêng, có một nền văn hóa tộc người riêng biệt. Chính văn hóa riêng biệt của tộc người là nhân tố gắn kết các cá nhân trong cộng đồng tộc người với nhau. Hơn nữa, các tộc người ở miền Tây Nghệ An có tính cố kết dòng họ rất bền chặt, chẳng hạn người Mông luôn quan niệm rằng họ hàng là tất cả những người cùng họ, không phân biệt người đó cư trú ở đâu, đã là người cùng một dòng họ thì được coi là anh em. Trong một bản của người Mông thường có vài dòng họ cư trú, mỗi dòng họ được cố kết dựa trên quan hệ huyết thống theo dòng cha. Sự gắn kết họ hàng của người Mông không chỉ được thể hiện trong một làng hay giữa làng này với làng kia mà còn có mối quan hệ dòng họ xuyên biên giới, họ thường giao lưu, thăm người thân, giúp đỡ nhau về kinh tế, hôn nhân… với người đồng tộc ở bên kia biên giới. Do có sự gắn kết về mặt tộc người, dòng họ như vậy, khi người dân địa phương tham gia phát triển du lịch cộng đồng sẽ là sự đảm bảo cho tính bền vững của hoạt động du lịch này.

Hai là, mạng lưới xã hội là một yếu tố quan trọng của vốn xã hội, thúc đẩy sự phát triển du lịch cộng đồng, mạng lưới tạo điều kiện giao tiếp và cải thiện luồng thông tin về mức độ đáng tin cậy của các cá nhân (Yokoyama, 2006). Các nghiên cứu về mạng lưới xã hội cho thấy cộng đồng có mạng lưới xã hội cao thường có xu hướng chống lại đói nghèo và dễ bị tổn thương tốt hơn, giải quyết tranh chấp và tận dụng những cơ hội mới một cách dễ dàng hơn (Woolcock & Narayan, 2000). Có thể cho rằng, các cộng đồng có vốn xã hội cao có khả năng tham gia hiệu quả hơn vào phát triển du lịch cộng đồng. Mạng lưới có thể giúp người dân địa phương tham gia nhiều hơn vào quy hoạch và quản lý du lịch.

Các tộc người khác nhau ở miền Tây Nghệ An thường cư trú ở vùng nhất định, nhưng nhìn chung các tộc người thiểu số như Thái, Mông hay Khơ Mú thường sống xen kẽ nhau ở đơn vị hành chính cấp xã, trong khi đó người Kinh chủ yếu định cư ở trung tâm xã, trung tâm các huyện lỵ - nơi giao thông đi lại dễ dàng, buôn bán thuận lợi. Sự cư trú phân tán, xen kẽ của các tộc người tạo điều kiện để tăng cường hiểu biết nhau, hoà hợp và xích lại gần nhau, dễ dàng giao lưu kinh tế - văn hoá, giúp đỡ lẫn nhau. Đó chính là điều kiện để các tộc người này tạo thành mạng lưới rộng lớn cho việc phát triển du lịch cộng đồng của mình. Ngoài các mạng lưới xã hội chính thức như các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội du lịch… và các mạng lưới không chính thức như dòng, tộc người, bạn bè, người quen… thì ngày nay mạng lưới xã hội thông qua mạng internet cũng vô cùng quan trọng. Sự phát triển của internet và khoa học công nghệ, lớp trẻ người dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An đã sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet không chỉ để giải trí mà họ đã có nhiều kết nối hơn trong việc tham gia vào các “mạng xã hội trực tuyến”. Thông qua đó, các thông tin du lịch cần thiết sẽ được chia sẻ, giúp tăng cường sự tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng. Hơn nữa, các mạng xã hội “thực và ảo” giúp khắc phục tình trạng thiếu thông tin như là một trở ngại đối với sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch. Mạng lưới xã hội càng rộng lớn sẽ giúp người dân càng có nhiều lợi thế trong hoạt động du lịch cộng đồng. 

Ba là, sự tin cậy được coi là yếu tố quan trọng của vốn xã hội giúp cho các thành viên có thể hợp tác với nhau trong phát triển du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng của các qui ước và các chuẩn mực xã hội. Một quốc gia, một tỉnh hay một khu vực muốn phát triển thì cần phải tạo lập được sự tin cậy giữa những con người với nhau, tin cậy cá nhân vào cộng đồng, vào luật pháp, vào chính quyền.... Khi có sự tin cậy, con người sẽ có định hướng cho những hoạt động của mình để đạt được kết quả như mong muốn. Từ sự tin tưởng, cộng đồng sẽ được trao thêm quyền, tăng cường năng lực trong phát triển du lịch và ngược lại cộng đồng cũng sẽ tin tưởng vào các bên tham gia giúp tăng cường khả năng trao đổi, hợp tác cùng phát triển du lịch (Đỗ Thị Thanh Hoa, 2020). Trong một cộng đồng có được sự tin cậy cao thì người dân địa phương sẽ có nhiều cơ hội để tham gia vào hoạt động du lịch. Theo Fukuyama (1995) thì lòng tin sẽ giúp làm giảm chi phí giao dịch trong các mối quan hệ xã hội.

Trong xã hội cổ truyền của các tộc người như Thái, Khơ Mú hay Mông… ở miền Tây Nghệ An, người ta tin nhau vì cùng là thành viên của một tộc người, dòng họ hay có cùng chung một tín ngưỡng tôn giáo hoặc một vật tô tem nào đó. Mỗi thành viên trong cộng đồng thường yên tâm rằng các thành viên khác sẽ cư xử với mình phù hợp theo những qui tắc và chuẩn mực mà cả cộng đồng cùng chia sẻ. Ngày nay, bên cạnh luật pháp và lý tính, thì sự tin cậy giữa các cá nhân với nhau trong đời sống xã hội dựa trên phong tục và tình cảm vẫn còn là yếu tố quan trọng như một tài sản cho phát triển du lịch cộng đồng.

4. Đôi điều thay lời kết

Du lịch cộng đồng được coi là một hướng đi bền vững giúp giảm nghèo và phát triển kinh tế cho các cộng đồng địa phương cũng như bảo vệ thiên nhiên. Để đưa Nghệ An trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch của khu vực Bắc Trung bộ, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng, hấp dẫn... như Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh Nghệ An thì sẽ cần rất nhiều nguồn lực, trong đó không thể bỏ qua vai trò của vốn xã hội như một nguồn vốn (tài sản) quan trọng cho sự phát triển du lịch cộng đồng.

Trong phát triển du lịch cộng đồng, vốn xã hội là một khái niệm mới và chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều. Việc nhận diện đầy đủ vai trò và phát huy tính tích cực của vốn xã hội trong phát triển du lịch cộng đồng không chỉ giúp ích cho kinh tế của người dân địa phương mà còn tạo nên sự tham gia bình đẳng, tích cực của các bên liên quan, hơn nữa còn giúp bảo tồn văn hóa, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường.

Tài liệu tham khảo

Bộ khoa học và Công nghệ (2020), Quyết định số 3941/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2020 về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 13259:2020, Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ).
Bourdieu P. (1986), “The Forms of capital”, In: Richardson, J.G (Ed.), Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education. Greenwood Press, Westport, pp. 241-258.
Coleman S. J. (1988), “Social Capital in the Creation of Human-Capital”, American Journal of Sociology, Vol. 94, pp.95-120.
Đỗ Thị Thanh Hoa (2020) Vốn xã hội - tài sản cho phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam. http://itdr.org.vn/nghien_cuu/von-xa-hoi-tai-san-cho-phat-trien-du-lich-cong-dong-o-viet-nam/
DFID (1999), Sustainable Livelihoods Guidance Sheets, http://www.nssd.net/references/SustLiveli/DFIDapproach.htm#Guidance
Phan Thanh Đoài, https://nghean.dcs.vn/vi-vn/tin/cong-tac-dan-van-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-nghe-an-sau-70-nam-thuc-hien-bai-bao-dan-van-cua-bac-ho/73410-377779-634094, truy cập ngày 18/10/2021.
G. David Garson (ed. 2000), Social Dimensions of Information Technology: Issues for the New Milennium IDEA Group Publishing, Hershey USA-London UK.
Fukuyama, F. (1995) Trust: The social virtues and the creation of prosperity. New York: The Free Press
Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tỉnh Nghệ An
Kay, A. (2006). Social capital, the social economy and community development. Community Development Journal, 41(2), 160-173.
Macbeth và cộng sự (2004).
Noris (2002) The bridging and bonding role of online communities. The Harvard International Journal of Press/Politics, 7(3), 3-13.
Putnam R. D. (1995), “Tuning In, Tuning Out: The Strange Disappearance of Social Capital in America”, Political Sicence and Politic, Vol 28, No 4, pp.664-683.
Yokoyama, S. (2006). Potential of Social capital for community development: Lessons learned and challenges ahead. National Agriculture and Food Research Organization..

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây