Nông dân vùng cao Con Cuông 'tự quản chéo' để trồng dược liệu sạch

Thứ năm - 11/04/2024 22:21 0
Gần chục năm nay, cánh đồng trồng dược liệu của nông dân xã Châu Khê (Con Cuông) luôn đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng để nhập cho công ty bao tiêu sản phẩm nhờ cách làm “tự quản chéo” của cộng đồng.
Tiêu biểu có vùng ruộng dược liệu của ông Nguyễn Thế Dũng đến độ thu hoạch, cây cà gai leo đã cao hơn nửa thân người, cành cây leo cao quấn vào nhau, chi chít gai nhọn. Ông cho biết: “Trước khi thu hoạch phải dùng sào tre tách dây quấn vào nhau giữa hai luống cạnh nhau để “mở đường” vào ruộng. Muốn thu hoạch cây cà gai leo này ít nhất phải có 2 người phối hợp mới làm được. Một người cắt gốc, một người dùng cào quấn dây cà thành cuộn như thế này"..

Với giá thu mua hiện nay khoảng 4.500 đồng/kg, người dân thu về 12 - 15 triệu đồng/ha/vụ. Mỗi năm thu hoạch 2 vụ, thu về trung bình 25 - 30 triệu đồng/ha.
Từ 3 ha thử nghiệm ban đầu, nay người dân đã phát triển vùng dược liệu cà gai leo lên 10 ha, mang lại thu nhập cao hơn hẳn các loại nông sản khác đã trồng trước đây. Qua thu thập thông tin cho thấy, trong hợp đồng ký kết bao tiêu sản phẩm với công ty thu mua có những điều khoản về đảm bảo chất lượng xanh, sạch, không được phép có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nhiễm bệnh, sinh vật có hại cho sức khoẻ con người. Công ty bao tiêu sản phẩm cũng thường xuyên đột xuất lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng, vì thế, mẫu sản phẩm của hộ nào vi phạm sẽ bị cắt hợp đồng bao tiêu. Nếu nông sản không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng không chỉ đến nguồn thu nhập của hộ vi phạm, mà cả cộng đồng cũng sẽ bị ảnh hưởng uy tín. Vì thế, ngay từ đầu triển khai trồng loại cây mới này, các hộ tham gia đã đặt ra quy định “giám sát chéo” lẫn nhau về việc tuân thủ quy trình trồng theo hướng hữu cơ, xanh, sạch. Cây cà gai leo cũng ít khi bị dịch bệnh. Trong quá trình từ khi xuống giống, chỉ có giai đoạn cây đạt 1-2 tuần tuổi có thể bị nhiễm nấm bạc lá.
Nếu phát hiện cây bị bệnh nhiễm, hộ trồng phải báo với ban quản lý thôn và phun thuốc sinh học phòng trừ. Ngoài ra, các hộ chỉ được phép tưới nước, bón phân hữu cơ vi sinh theo hướng dẫn của công ty. Nhờ cách làm các hộ dân tự giám sát, giúp đỡ nhau trong sản xuất, gần chục năm nay, 10 ha vùng trồng cà gai leo ở đây luôn đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của vùng sản xuất dược liệu thiên nhiên. Đây cũng là cách để đảm bảo uy tín và giữ nguồn thu nhập ổn định cho các hộ từ cây cà gai leo.
 

Sưu tầm

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1380
  • Hôm nay43,862
  • Tháng hiện tại2,766,955
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây