Nghệ An và hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể

Thứ tư - 21/08/2024 04:45 0
Viếng khu di tích lịch sử Kim Liên - Di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Blog Hành Trình Du Lịch
Di sản văn hóa vật thể
 Trong hệ thống di sản văn hóa vật thể thì hệ thống di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật là quan trọng nhất vì nó chứa đựng trong đó không chỉ giá trị văn hóa hữu thể (vật có hình khối) như đền, chùa, đình, miếu, và nhiều hiện vật, cổ vật trong di tích… mà trong các di tích lịch sử văn hóa vật thể vẫn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, đó là những ký ức lịch sử trong cuộc tranh đấu lâu dài để tồn tại và phát triển của con người bản xứ, là phong tục tập quán, là không gian và các trình thức lễ hội …Theo thống kê sơ bộ của ngành văn hóa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thì hiện có khoảng gần 2.000 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó ở Nghệ An hơn 1.000, Hà Tĩnh khoảng 900 di tích.
Hiện tại, trên địa bàn xứ Nghệ đã phát hiện được hàng trăm dấu tích khảo cổ học và đã tiến hành khảo sát, khai quật và nghiên cứu hàng chục di chỉ, trong đó có nhiều di chỉ nổi tiếng: Quỳnh Văn, Thẩm Ôm, Rú Dầu, Rú Trăn, Đồng Mõm bãi Phôi Phối, bãi Cọi, đặc biệt là làng Vạc... Các di tích, di chỉ khảo cổ học và các hiện vật thu được trên đất Nghệ nay vẫn cơ bản được bảo tồn, đủ điều kiện để tiếp tục nghiên cứu và giới thiệu quảng bá, phát huy các giá trị của nó vào đời sống đương đại.
Các di tích, di sản vật chất còn lại trên địa bàn, một số đã bị phá hủy, mai một nhưng vẫn còn đó dấu tích của các công trình sáng tạo trong lao động sản xuất của người Nghệ như các công trình thủy nông, các nông trang... Ngoài ra còn nhiều dấu tích của các làng nghề như nghề gỗ, mộc, đan lát, dệt, rèn đúc các nông/công cụ... Các di tích, dấu vết về các thành lũy, nơi rèn đúc, chứa vũ khí cũng còn nhiều như ở thành Lục Niên, Vạn An, Trà Lân, thành Nghệ An...
Tuy nhiên do hoàn cảnh lịch sử và nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong thời gian qua hệ thống di tích ở Nghệ An đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều di tích xưa vốn nổi tiếng, nhưng nay đã trở thành phế tích như chùa Diệc, chùa Đại Tuệ, Văn miếu Nghệ An… hàng trăm ngôi đền, chùa, đình… xưa nay chỉ còn trong ký ức. Hệ thống di tích ở Nghệ An còn lại đến nay chủ yếu là những công trình kiến trúc bằng gỗ, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nắng lắm, mưa nhiều, lại trải qua hàng trăm năm với nhiều biến động của lịch sử, vì vậy nhiều di tích đến nay đang trong tình trạng tiến dần đến phế tích.
Một số hiện vật khai quật được tại Di chỉ văn hóa Quỳnh Văn
Di sản văn hóa phi vật thể
Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể ở Nghệ An phong phú, đa dạng, thể hiện đầy đủ và toàn diện đời sống tinh thần và trí tuệ của các thế hệ người Việt.
Thứ nhât là kho tàng tri thức dân gian, tri thức bản địa. Là kho tàng được sáng tạo, tích lũy trong quá trình lịch sử tồn tại và phát triển của cộng đồng các tộc người trên vùng đất xứ Nghệ. Đó là tri thức về thiên văn, thủy văn, địa lý, kỹ thuật lao động, sản xuất chăn nuôi, chữa bệnh, các triết lý/ bài học được đúc rút. Hơn hết là kho tàng văn hóa dân gian, bao gồm Truyện kể dân gian (thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, tiên thoại, truyện cười, giai thoại, ngụ ngôn,…); Thơ ca dân gian; Trờ chơi dân gian; Sân khấu dân gian; Kiến trúc, hội họa, điêu khắc, trang phục, ẩm thực dân gian, Phong tục tập quán dân gian v.v…
Phải khẳng định, giá trị nghệ thuật dân gian độc đáo nhất của người xứ Nghệ là Ví, Giặm. Và gần đây nhất, dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ví, giặm chính là một phần máu thịt văn hóa của người dân Nghệ - Tĩnh. Lời ca ví, giặm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc tiền nhân, hiếu thảo với cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa người với người, là nét đặc trưng văn hóa cần được lưu giữ và bảo tồn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong Lễ vinh danh và đón bằng Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại cho dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã phát biểu: “Đó là vùng đất đã tác thành ra bao lớp hiền nhân, là cái nôi sản sinh, trao truyền cả một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, trong đó dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh là hai “thổ sản” độc đáo”. Mỗi người dân xứ Nghệ Tĩnh đều tự hào về truyền thống của quê hương, tự hào về những di sản quý báu của ông cha để lại. Mặc dù trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, song với sức sống của di sản cùng với sự kế tiếp gìn giữ, trao truyền giữa các thế hệ, di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vẫn được duy trì và phát triển đến ngày nay.
Diễn xướng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.Dân ca Ví, Giặm - Di sản phi vật thể xứ Nghệ được UNESCO vinh danh
Một yếu tố quan trọng trong đời sống tinh thần và cũng là di sản văn hóa của người Nghệ là tín ngưỡng và tôn giáo khá phong phú. Từ xa xưa, cư dân xứ Nghệ đã là một cộng đồng đa thần giáo, người xứ Nghệ cùng lúc thờ nhiều thần, thánh, có nhiều phong tục liên quan đến các tín ngưỡng thô sơ. Nổi bật nhất, cũng là một đóng góp của cư dân xứ Nghệ cho tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam là sự hình thành và phát triển của Tín ngưỡng Tứ vị thánh nương, nó như là một hệ phái của Đạo Mẫu Việt Nam. Một hình thức biểu hiện đời sống tinh thần sinh động, phong phú và sâu sắc của người dân xứ Nghệ nữa đó là các hội hè gắn liền với các sinh hoạt, các công trình tôn giáo tín ngưỡng như: hội làng, hội đền, hội chùa... hội nghề nghiệp như hội cơm mới, hội xuống đồng, hội cào hến...
Ngoài ra, xứ Nghệ còn có một kho tàng văn hóa, văn học nghệ thuật bác học, chuyên nghiệp vô cùng giàu có. Đó là các tác phẩm văn chương trải suốt một ngàn năm nay, là các tác phẩm nghệ thuật ở các thể loại như tạo hình, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh... Kho tàng này đã có những đóng góp lớn trong tiến trình văn hóa, văn nghệ của nước nhà, có một vị trí xứng đáng, có đặc điểm và diện mạo riêng trong tổng thể di sản văn chương nghệ thuật Việt Nam. Xứ Nghệ là nơi có nhiều bậc sáng tác văn chương nổi tiếng nhất, thời nào cũng có, như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương... Tiêu biểu nhất mọi thời đại là tác phẩm Truyện Kiều của Đại Thi hào Nguyễn Du.
Văn nghệ dân gian Xứ Nghệ là bộ gen nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc.
Góp phần làm nên niềm tự hào là sự phong phú của các giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian truyền thống đã tạo nên một xứ Nghệ đậm đà bản sắc, đóng góp cho nền văn hóa Việt. Trong đó tiềm năng văn hóa - văn nghệ dân gian của Nghệ Tĩnh giống như một kho tàng nhiều màu sắc, đa hệ giá trị đang rất cần được tìm hiểu, nghiên cứu, quan tâm đúng mức.Văn hóa - văn nghệ dân gian (VH-VNDG) là một khái niệm rộng bao hàm các giá trị vật thể và phi vật thể, chia ra nhiều lĩnh vực khác nhau như: Văn học dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian (chèo, tuồng, ca trù…); trò chơi dân gian (đánh đu, vật, bơi lội…); mỹ thuật dân gian (đình, đền, tranh, bia…); ẩm thực dân gian; nghề truyền thống; lễ hội truyền thống; các phong tục tập quán... Đó là những giá trị văn hóa từ xa xưa lưu truyền lại, hay nói một cách hình tượng thì VH-VNDG giống như một thứ “tài sản” quý mà các thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Những giá trị ấy không chỉ mang ý nghĩa văn hóa, mà còn mang ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa giáo dục, thẩm mỹ to lớn. Với số lượng lớn và mật độ đậm đặc về VH-VNDG, ở bất cứ địa phương nào trên đất Nghệ Tĩnh cũng có thể gặp và chiêm ngưỡng những giá trị đẹp đẽ ấy. Những giá trị vật thể và phi vật thể ấy trước tiên thể hiện nền văn hiến lâu đời của người xứ Nghệ, hình thành những phong tục tập quán độc đáo như đám cưới, đám tang, chúc thọ; trình diễn những cái hay cái đẹp trong thưởng thức văn hóa - văn nghệ như ca hát, hò vè, trong vui chơi giải trí. Tất cả đều thể hiện rõ nét truyền thống đạo lý tốt đẹp, lối sống dung dị, lạc quan của người xứ Nghệ.

Có thể nói, những di dản/di tích văn hóa vật thể, phi vật thể trên là những giá trị độc đáo riêng có của văn hóa xứ Nghệ, góp phần tạo nên bản sắc độc đáo của văn hóa xứ Nghệ.

 

Tuệ Minh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây