Khoa học và công nghệ - Động lực xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An

Thứ ba - 13/08/2024 22:55 0

Xây dựng nông thôn mới là một trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được kỳ vọng góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao môi trường sống tốt hơn, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống, gia tăng vai trò và sự tham gia của cộng đồng. Nghệ An xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm của đảng ủy, chính quyền các cấp với tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Chương trình triển khai thời gian qua trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả toàn diện, tích cực. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 319/411 xã đạt chuẩn NTM (đạt 77,61%); 83 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 26,01% xã NTM); 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 3,76% xã NTM); có 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (đạt 45%); huyện Hưng Nguyên đang hoàn thiện hồ sơ trình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023; có 212 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới. Đạt được kết quả đó, khoa học và công nghệ là một trong những nhân tố quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình; góp phần vào phát triển bền vững ở khu vực nông thôn trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Dưa lưới trồng nhà màng                Ảnh: nguồn internet

1. Hoạt động KH&CN đóng góp tham mưu, cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới

Kết quả các đề tài nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để hoạch định chủ trương, chính sách, đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới, mang đến một số nhận thức mới, cách tiếp cận mới và các mô hình kinh tế mới, đóng góp trực tiếp về cơ sở lý luận về phát triển nông nghiệp, nông thôn: Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách phát triển kinh tế trang trại; xác định sản phẩm chiến lược; chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế; nâng cao hiệu quả và nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; giải pháp đổi mới công nghệ cho một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu; vấn đề dân số trong phát triển kinh tế xã hội bền vững; giải pháp phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh; mô hình hợp tác xã kiểu mới. Nghiên cứu về các vấn đề phục vụ phát triển kinh tế xã hội miền Tây như: phát huy vốn xã hội của người dân trong phát triển kinh tế; nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể; nghiên cứu chiến lược phát triển miền Tây, chương trình phát triển dược liệu, nghiên cứu mô hình du lịch cộng đồng, du lịch canh nông, du lịch sinh thái, nghiên cứu và ứng dụng tri thức địa phương của đồng bào dân tộc Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú phục vụ phát triển kinh tế xã hội, ứng dụng trong phát triển du lịch cộng đồng, ẩm thực, sản xuất và bảo vệ môi trường.
Hoạt động hội thảo, điều tra xã hội học đã cung cấp số liệu minh chứng, cơ sở khoa học phục vụ cho xây dựng tiêu chí nông thôn mới như: Khảo sát dư luận về công tác xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kết quả nghiên cứu đã tham mưu rà soát, điều chỉnh, sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí về xã Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và bản sắc văn hóa các dân tộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Khảo sát nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo trong việc thực hiện các mô hình sinh kế nhằm thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, kết quả đã có khuyến nghị trong xem xét bố trí tập trung nguồn lực cho một số chính sách quan trọng như hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã và làng nghề; đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm; vay vốn tín dụng; xây dựng cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững và đối với người dân thay đổi tư duy để thoát nghèo.
Ngoài ra, với mục tiêu là phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vào phát triển bền vững đã tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức địa phương học góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy và thực hành văn hóa cho cán bộ và người dân trên địa bàn các huyện.
2. KH&CN đóng góp hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới
2.1. Đối với nhóm chỉ tiêu: Kinh tế và tổ chức sản xuất
Đã tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN và xây dựng thành công các mô hình tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, góp phần cải thiện đời sống và thu nhập người dân. Các tiến bộ khoa học và công nghệ nhanh chóng được đưa vào sản xuất và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, các mô hình đã chuyển giao được các công nghệ, quy trình kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với vùng miền, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, tiêu biểu: luân canh, xen canh bắt buộc đối với canh tác mía, sắn làm tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích; chế biến và bảo quản quả trám đen Thanh Chương; nhân giống và trồng thâm canh cam bù sen Anh Sơn; mô hình bảo vệ, khai thác và chế biến cây măng loi Tân Kỳ; mô hình nhân giống và trồng tre ngọt lấy măng tại các huyện miền Tây; mô hình nuôi rươi kết hợp trồng lúa theo hướng hữu cơ tại Hưng Nguyên; mô hình sản xuất giống và trồng thương phẩm một số giống nho mới Nghi Lộc; mô hình nhân giống và nuôi dê địa phương thương phẩm tại các huyện miền Tây; mô hình trồng và chế biến các sản phẩm từ cây sâm Thổ Hào; mô hình nhân giống và trồng thâm canh giống mít dai Nghĩa Đàn; mô hình nhân giống và trồng cây bưởi bản địa Cát Ngạn; mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm bò lai 3B huyện Quỳ Châu; mô hình nhân giống chanh không hạt; mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm lươn đồng quy mô hàng hóa; mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học; sản xuất sinh khối tảo quy mô hàng hóa tại Quỳnh Lưu; mô hình trồng và chế biến một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ mầm cây lúa mì huyện Diễn Châu; mô hình chế biến sản phẩm cao, trà hòa tan từ cây dược liệu Con Cuông; mô hình trồng thử nghiệm một số giống táo mới (giống táo đỏ Mỹ, giống táo 05) huyện Anh Sơn; mô hình phục hồi và phát triển giống xoài bản địa Tương Dương; mô hình sản xuất giống và trồng thử nghiệm quýt GL3-3; mô hình sản xuất và chế biến giảo cổ lam, hoài sơn và mướp đắng rừng theo hướng sản xuất hàng hóa Kỳ Sơn; mô hình sản xuất thử nghiệm một số giống cây ăn quả ôn đới nhập nội (lê, đào và dâu tây) Kỳ Sơn; mô hình trồng thử nghiệm cây cỏ linh lăng phục vụ sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản; mô hình phục hồi và phát triển giống bưởi Hồng Quang Tiến; mô hình sản xuất mía nguyên liệu đạt năng suất cao và hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh; sản xuất sinh khối tảo Nannochloropsis        oculata quy mô hàng hóa; mô hình nuôi cá theo công nghệ sông trong ao; mô hình trồng cây dược liệu, ba kích tím, sa nhân tím thiên niên kiện, trà hoa vàng tại các huyện miền núi… Ứng dụng các thành tựu công tác giống nhằm tuyển chọn, nhân nhanh và thâm canh các giống có năng suất cao, chất lượng tốt và công tác phòng, trị bệnh cây trồng, vật nuôi.
Phát triển sản xuất nông nghiệp theo các mô hình liên kết chuỗi giá trị, KH&CN đầu tư theo chuỗi giá trị về khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, thị trường, đăng ký nhãn hiệu để thương mại hoá và tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản Nghệ An. Hiện nay đã được cấp 9 nhãn hiệu chứng nhận (Nước mắm Vạn Phần, dê Tân Kỳ, NHCN gà Phủ Diễn, Nhung hươu Quỳnh Lưu, chanh leo Quế Phong, NHCN hải sản Hoàng Mai, NHCN rau an toàn Anh Sơn, NHCN nước mắm Quỳnh Dị); 32 nhãn hiệu tập thể (chè Nghệ An, gà Thanh Chương, hương trầm Quỳ Châu, cá thu nướng Cửa Lò, tôm nõn Diễn Châu, nước mắm Tân An, mực Quỳnh Lưu, bơ Nghĩa Đàn, cam Con Cuông, sắn dây Nam Đàn, miến Phú Thành, mật ong Tây Hiếu, gạo Mường nọc, bò giàng Tương Dương, nước mắm Cửa Lò, ....) và 2 chỉ dẫn địa lý (cam Vinh và gừng Kỳ Sơn). Một số chuỗi sản phẩm thành công góp phần phát triển kinh tế nông thôn: trà hoa vàng, chanh leo, lúa japonica, cam, chè, trám đen, lạc, rau hữu cơ, mô hình liên kết phát triển sản xuất khoai tây gắn với tiêu thụ.
2.2. Đối với nhóm chỉ tiêu: Văn hóa - Xã hội - Môi trường
* Văn hoá - Xã hội: Nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần phát triển văn hóa cộng đồng ở nông thôn. Đã tư liệu hóa những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể thuộc lĩnh vực văn hóa dân gian và văn hóa bác học như: nghiên cứu văn hóa vật thể phục vụ cho phát triển kinh tế di sản; nghiên cứu các giải pháp bài trí thờ tự, sắp xếp đồ tế khí tại các di tích trên địa bàn tỉnh; Nghiên cứu những tác động của phong tục tập quán các đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây; nâng cao hiệu quả hoạt động của các lễ hội. Lập hồ sơ khoa học trình và công nhận di sản văn hóa cụ thể: dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh; lễ hội đền Chín Gian là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghiên cứu nguồn gốc ra đời và phát huy lễ hội Bươn Xao trong phát triển du lịch cộng đồng ở Tiên Kỳ; áp dụng các giải pháp bảo tồn dân ca xứ Nghệ vào thực tiễn đó là đưa dân ca vào trường học, đưa vào các sản phẩm du lịch trải nghiệm; nghiên cứu và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế di sản.
Nghiên cứu và ứng dụng tri thức địa phương của đồng bào dân tộc phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo: tri thức dân tộc Thái, tri thức dân tộc Thổ, các tri thức được ứng dụng trong phát triển kinh tế, du lịch cộng đồng, ẩm thực, sản xuất và bảo vệ môi trường. Các tri thức dân gian về ẩm thực, trang phục, y học, dược liệu,… và các nghề thủ công truyền thống cũng đang góp phần vào việc hình thành các sản phẩm phục vụ du lịch và sản phẩm hàng hóa cho thị trường tiêu dùng. Nghiên cứu và ứng dụng các mô hình kết hợp nông - lâm nghiệp - du lịch sinh thái, bảo vệ tài nguyên có sự tham gia của cộng đồng và đồng bào dân tộc thiểu số góp phần phát triển nông thôn mới bền vững, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
* Môi trường: Thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ mới góp phần thực hiện mục tiêu nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong phong trào xây dựng nông thôn mới đang được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Hỗ trợ hệ thống xử lý và cung cấp nước sạch quy mô hộ gia đình cho cộng đồng dân cư vùng nông thôn miền núi chưa có nước sạch: Năm 2021-2023 sản xuất và lắp đặt 272 hệ thống xử lý nước sinh hoạt đạt chuẩn với công suất xử lý 5 - 7m3/ngày đêm cho địa phương trên địa bàn các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Con Cuông, Quế Phong. Ứng dụng các chế phẩm xử lý môi trường như ứng dụng sáng chế Biogas đa năng Vị Nông xây dựng mô hình xử lý chất thải sinh hoạt và rác thải hữu cơ; mô hình sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học Neo-Polymic xử lý môi trường nuôi trồng thủy hải sản.
Hỗ trợ thực hiện mô hình xử lý nước thải trong chế biến, chăn nuôi, giết mổ gia súc, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới: Công nghệ xử lý nước MET (do Công ty TNHH xử lý nước TA sở hữu), được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế độc quyền số 21441 năm 2019; đây là công nghệ xanh, sinh thái chi phí vận hành thấp, có độ bền cao. Các mô hình đã triển khai công nghệ: Xử lý nước thải trang trại chăn nuôi lợn tại xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn; xử lý nước thải chế biến thực phẩm tại Làng nghề chế biến thực phẩm Vĩnh Đức, huyện Đô Lương; xử lý nước thải cơ sở sản xuất, chế biến bún tươi, bún khô, miến gạo, miếng dong tại xã Quỳnh Lộc, TX Hoàng Mai.
* Giáo dục: Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN góp phần hoàn thiện chỉ tiêu về giáo dục, trong đó một số kết quả nghiên cứu tiêu biểu: Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng chương trình giáo dục STEM trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục trong chương trình giáo dục, phát triển kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh phổ thông; dự án đã nghiên cứu xây dựng khung chương trình, biên soạn tài liệu giáo dục STEM cho 4 cấp học và triển khai thí điểm 12 mô hình giáo dục STEM cho 4 cấp qua đó đề xuất giải pháp triển khai đại trà giáo dục STEM trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu xây dựng bộ khung đào tạo nhân lực du lịch biển tại Trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại; nghiên cứu xây dựng mô hình dạy học tiếng Anh dựa trên mô hình hỗn hợp (Blended learning) và đảo ngược (Flipped learning); đánh giá thực trạng, đề xuất nội dung và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng đặc biệt khó khăn; nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp sử dụng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu biên soạn tài liệu và tổ chức dạy học song ngữ Việt - Mông cho học sinh dân tộc Mông cấp tiểu học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn…
* Y tế: Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao trong điều trị bệnh ngày càng được ứng dụng hiệu quả. Ứng dụng thành công và làm chủ được một số kỹ thuật cao như: Mổ tim hở, ghép thận; ghép tủy hỗ trợ điều trị một số bệnh lý ung thư, phẫu thuật u phổi, u trung thất, u thực quản, u gan lớn, đốt u phổi, u gan, u cơ trơn tử cung bằng sóng cao tần, định vị sinh khiết bằng robot, can thiệp điều trị tim bẩm sinh; điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng huyết tương giàu tiểu cầu phối hợp với ghép tế bào gốc trung mô từ mô mỡ tự thân.
Ứng dụng thành công công nghệ thông tin trong ngành y tế với việc xây dựng bệnh viện điện tử, bệnh án điện tử; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật thị giác máy tính hỗ trợ phát hiện và chẩn đoán sớm ung thư vú; xây dựng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) tại một số bệnh viện trên địa bàn thành phố Vinh; đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế cơ sở tại vùng miền Tây Nghệ An.
Ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển dược liệu ở các huyện miền Tây được triển khai phục vụ cho nghiên cứu sản xuất các sản phẩm nâng cao sức khỏe cộng đồng như: công nghệ tách chiết lá diếp cá, đông trùng hạ thảo, tỏi đen; mô hình trồng sâm Puxailaileng, cây hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, ba kích tím, mú từn, đương quy Nhật Bản, quế quỳ, trà hoa vàng...
* Quốc phòng - An ninh: Nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực ngăn ngừa, phòng chống tội phạm về ma tuý; công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhất là địa bàn các tuyến biên giới; giải pháp ngăn ngừa di, dịch cư trái phép của đồng bào dân tộc; nâng cao chất lượng công tác tham mưu trong lực lượng công an và các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự vùng giáp ranh, ngăn chặn các loại tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, góp phần ổn định xã hội để thúc đẩy kinh tế phát triển. Ứng dụng CNTT trong quản lý lực lượng dự bị động viên trên địa bàn tỉnh.
2.3. Nhóm tiêu chí: Hạ tầng
Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển chính quyền điện tử, xã hội số; kinh tế số ngày càng được áp dụng rộng rãi trong các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn xã hội, góp phần thay đổi và tạo phong cách, phương thức làm việc mới, nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các sản phẩm OCOP của các xã nông thôn mới nâng cao đều được quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử như postmart.vn, voso.vn, 37nghean.com.
3. KH&CN đóng góp thực hiện các chương trình chuyên đề mỗi xã một sản phẩm và phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
Nhằm phát triển sản phẩm đặc hữu, vùng miền, khoa học và công nghệ tác động theo nhiều cấp độ, loại hình, nguồn lực đầu tư khác nhau như ứng dụng tiến bộ KH&CN trong các khâu từ nguyên liệu, sản xuất, chế biến, tiêu thụ và đăng ký sở hữu trí tuệ nhằm tạo ra sản phẩm được thương mại hóa trên thị trường. Có 235 sản phẩm truyền thống và đặc trưng địa phương được tác động về khoa học công nghệ làm cơ sở cho việc triển khai thành công Đề án mỗi xã một sản phẩm OCOP. Trên nền tảng các sản phẩm có tác động khoa học công nghệ các ngành tiếp tục hỗ trợ và tổ chức đánh giá, phân loại sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, có 567 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, trong đó có 01 sản phẩm đã được công nhận 5 sao cấp quốc gia. Chất lượng, độ tin cậy của các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường và được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Thông qua chương trình đã hình thành được một số liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp. Chương trình OCOP đã góp phần từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Và để phát triển các sản phẩm OCOP   hoạt động KH&CN còn tổ chức nghiên cứu câu chuyện, tri thức bản địa được hình thành trong các sản phẩm, đã xuất bản công trình sách song ngữ Việt Anh “Sản phẩm OCOP Nghệ An” để quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng và giới thiệu bạn bè quốc tế. Hiện nay Trung tâm Khoa học Xã hội và nhân văn Nghệ An đang chủ trì thực hiện đề tài khoa học thuộc chương trình Nông thôn mới quốc gia: Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP từ tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng miền núi Tây Nghệ An.
Để tìm kiếm thị trường và quảng bá sản phẩm, đã có nhiều giải pháp và cách làm đưa sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng, Trung tâm KHXH&NV Nghệ An cùng với Công ty Cổ phần Giải pháp chuyên gia Star Global số hoá 23 sản phẩm OCOP cho 4 nhóm sản phẩm trên đường link: http://nghean.ocop360.com. Việc số hoá mang lại những lợi ích, giúp cho công tác quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, giúp truy xuất dễ dàng nguồn gốc xuất xứ, giải quyết được phần nào hàng lưu thông không rõ nguồn gốc xuất xứ giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Các sản phẩm số hóa với các thông tin đầy đủ về nơi sản xuất, được thuyết minh và giới thiệu về nét đặc trưng, nổi bật và khác biệt, thông tin về các tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng. Các sản phẩm OCOP được số hóa giúp bảo vệ được thương hiệu, khẳng định sự minh bạch và uy tín của mình. Giúp quảng bá sản phẩm ở bất cứ nơi đâu và tiện cho việc tra cứu thông tin sản phẩm. Giúp sản phẩm được tiếp cận thị trường trong và ngoài nước nhanh và tiện lợi. Giúp người tiêu dùng khám phá điểm đến, sản phẩm vượt qua mọi rào cản không gian, thời gian. Số hóa 3D/360 độ là một trong những công nghệ hiện đại góp phần đưa các sản phẩm địa phương tiếp cận nhiều khách hàng hơn trong thời đại công nghệ số.
Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc điện tử là một giải pháp ứng dụng mới có hiệu quả và rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu đối với sản phẩm nông sản. Các sản phẩm OCOP đều sử dụng phần mềm mã số mã vạch (Scan and Check), mã QR code để truy xuất nguồn gốc, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường góp phần tăng thêm chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao ý thức của nhà sản xuất về chất lượng của sản phẩm, đồng thời bảo vệ uy tín, phát triển thương hiệu nông sản.
Đối với chương trình phát triển du lịch nông thôn từng bước đã tạo luồng khí mới với những mô hình sinh kế mới cho người dân ở khu vực nông thôn. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ thực hiện thí điểm được 12 mô hình, gồm: huyện Nam Đàn 05 mô hình, huyện Yên Thành 01 mô hình, huyện Anh Sơn 01 mô hình, huyện Con Cuông 01 mô hình, huyện Tương Dương 02 mô hình, huyện Quỳ Châu 01 mô hình, huyện Quế Phong 01 mô hình. Các mô hình hoạt động có hiệu quả tạo mô hình sinh kế mới cho người dân, tăng khả năng thu hút khách du lịch góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Ngoài ra các đề tài KH&CN nghiên cứu du lịch được triển khai: xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo ở miền Tây Nghệ An; mô hình chuyển đổi sinh kế phát triển du lịch ở Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu; hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng miền trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn…
4. Tồn tại, hạn chế
Kết quả đạt chuẩn xã nông thôn mới của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, chưa bền vững. Xây dựng nông thôn mới một số địa phương chưa chú trọng đúng mức đến phát triển sản xuất, tạo sinh kế. Tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, còn thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao.
Thực hiện các nội dung tiêu chí nông thôn mới ở cấp thôn, bản ở vùng miền núi và vùng đặc biệt khó khăn chưa thực sự quan tâm đầy đủ.
Các công nghệ sản xuất, chế biến nông sản còn ở mức độ trung bình, chưa đáp ứng được yêu cầu chế biến sản phẩm chất lượng cao; việc phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ sản xuất để bảo đảm an  toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng thực tế của tỉnh.
Việc lồng ghép với các chương trình khoa học công nghệ còn hạn chế; còn ít mô hình mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng để tạo ra hiệu quả đồng bộ trong phát triển nông thôn.
Đối với chương trình mỗi xã một sản phẩm việc ứng dụng tiến bộ KH&CN còn hạn chế, chưa quan tâm đến kiểu dáng, nhãn hàng hoá. Công tác xúc tiến, quảng bá các sản phẩm và kết nối sản phẩm phục vụ cho du lịch đang còn nhiều vấn đề.
5. Khuyến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp
Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới cho các giai đoạn tiếp theo. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp KH&CN, các mô hình ứng dụng mang tính tổng hợp, đa ngành, liên ngành. Cần tập trung vào một số vấn đề quan trọng của nông thôn mới giai đoạn tới như: tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp thông minh, giải quyết hiệu quả môi trường, quản trị xã hội ở các vùng nông thôn…
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới phải song hành để chuyển hóa được tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đề tài nghiên cứu khoa học trong xây dựng nông thôn mới phải mang yếu tố kinh tế, gắn với thị trường; chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị trên sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời cần chuyển giao tri thức cho người nông dân.
Cần tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; tạo đột phá về giống cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm.
Xây dựng và nhân rộng được các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền (đặc biệt là tại các vùng khó khăn, vùng biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa đạt chuẩn nông thôn mới) trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm đặc thù địa phương.
Phát huy bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững kết hợp tăng trưởng xanh. Bảo vệ và duy trì các làng xã nông thôn gắn với văn hóa bản địa.
Huy động các nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới; khuyến khích các mô hình người dân tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa.
Đối với xây dựng nông thôn mới ở vùng miền núi, đặc biệt khó khăn: Xây dựng tiêu chí NTM ở thôn, bản cần hướng vào các nội dung về tổ chức cộng đồng hơn là những kết quả đầu ra như tiêu chí cấp xã. Các nội dung xây dựng NTM ở thôn, bản cần thực hiện trên cơ sở trao quyền lựa chọn và quyết định cho cộng đồng. Tận dụng tối đa những lợi thế về điều kiện tự nhiên, biến các khó khăn về điều kiện địa hình chia cắt, miền núi thành lợi thế để phát triển các hoạt động kinh tế đặc thù, độc đáo (cảnh quan hùng vĩ, tham quan nghỉ dưỡng, phát triển các loại nông đặc sản,…).  Phát triển kinh tế rừng để đón cơ hội bán tín chỉ carbon cũng như dịch vụ môi trường rừng và phát triển kinh tế dưới tán rừng. Đối với các chương trình chuyên đề mỗi xã một sản phẩm: Quan tâm xây dựng nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm. Tập trung xây dựng một số sản phẩm liên kết, phục vụ du lịch, trải nghiệm du lịch. Số hoá hết các sản phẩm OCOP của tỉnh phục vụ cho quảng bá đến người tiêu dùng nhanh chóng và thuận lợi.


 

Nguyễn Thị Minh Tú

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây