Nguyễn Đình Chiểu - Danh nhân văn hóa thế giới

Thứ tư - 21/08/2024 05:53 0
Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - biểu tượng cao đẹp của vùng đất Bến Tre
                                                                      Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)
1. Một cuộc đời sáng như gương trong như tuyết vẹn toàn chính nghĩa cảm

1.1. Quê quán: Nguyễn Đình Chiểu tên quen gọi là cụ Đồ Chiểu tự là Mạnh Trạch, hiệu là Trọng Phủ, Hối Trai. Thân phụ là Nguyễn Đình Huy sinh năm 1793, khoảng năm 1820 vào sinh sống ở Gia Định. Ngày ở Thừa Thiên đã có vợ và hai con nhưng khi vào Gia Định lấy thêm bà Trương Thị Thiệt (sinh 1800) người làng Tân Thới huyện Cần Giuộc và sinh Nguyễn Đình Chiểu.Về nguồn gốc của Nguyễn Đình Chiểu ở Thừa Thiên Huế trước thân phụ Nguyễn Đình Huy là ai thì thành quả gia phả học còn cho biết là Nguyễn Đình Ảnh, trước trước nữa là Nguyễn Đình Hiến, Nguyễn Đình Cầu, Nguyễn Đình Tựu, Nguyễn Đình Lai gốc từ miền Bắc vào nhưng chưa biết miền Bắc cụ thể là ở đâu. Tạp chí Văn hộc số 4/81 cũng cho biết thêm Thủy Tổ là Nguyễn Đình Đề. Ông Đoàn Khoách là người đã tra cứu 07 bàn Nguyễn Đình tộc phả hiện có ở Thừa Thiên Huế thì cho biết Thủy Tổ Nguyễn Đình ở Huế là từ Kinh Bắc (nay thuộc Bắc Ninh) “từ triều Hồng Ninh vì họ Mạc không giữ đạo bề tôi gây rối loạn trong nước nên ông cao Tổ ba đời của ta bỏ tối theo sáng vào khai sáng và giữ vùng đất xã Bồ Điền huyện Phong Điền phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa. Từ đó đến nay đời nối nhau phát khởi thực bắt đầu từ ông tổ khai canh Nguyễn Quí công…” (Qúi công thì chưa rõ tên là gì) thành một dòng họ Nguyễn Đình gồm hai chi phái sống với nghề nông và đều theo Nho học. Gần đây nhất, sách Những nhân vật lịch sử Đại tộc Nguyễn Đình Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí (NXB ĐHQG HN p 2022) vừa ra mắt có mục từ Nhà thơ Nguyễn Đình Chiếu do ông Nguyễn Đình Cương chấp bút đã cho biết: “Theo gia phả Nguyễn Đình tộc phổ đước tu lập năm 1811 dưới triều Gia Long thứ 10 thì dòng họ Nguyễn Đình của Nguyễn Đình Chiểu thuộc Trung chi 3 họ Nguyễn Văn An tại Thuận An, Thừa Thiên Huể. Chức tước Thiếu bảo hậu quân đô đốc thống sư chưởng phụ sự hùng uy tướng quân chưởng vệ là con trai thứ ba của Quận công Hiến sát sử Nguyễn Phúc Xà trấn thủ trấn Quảng Nam. Đến đời thứ 4 Nguyễn Đình Thế dòng chính nhánh 2 chuyển đến Phong Điền Thừa Thiên Huế. Tính từ cao cao Tổ kháo Nguyễn Đình Thế đén Nguyễn Đình Chiểu là 9 đời”. Như thế, Nguyễn Đình Chiểu là cháu đời thứ 12 của Thủy Tổ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí quê làng Thượng Xá huyện Chân Phúc nay là Nghi Hợp vùa đổi là Khánh Hợp huyện Nghi Lộc Nghệ An, được vua Lê Thánh Tông phong sắc thần có tám chữ “Bình Ngô khai quốc tĩnh nạn trung”. Chương trình Danh nhân đất Việt của Truyền hình Việt nam mệnh danh là “Người hai lần khai quốc”. Khai quốc lần thứ nhất là với tư cách một vị tướng kiệt xuất từ đầu khởi nghĩa Lam đến đại thắng giặc Minh xâm lược (Bình Ngô khai quốc). Khai quốc lần thứ hai là người cầm đầu cuộc phản đảo chính Lê Nghi Dân đưa Lê Tư Thành lên ngôi Lê Thánh Tông mở ra một triều đại vẻ vang nhất ở thời trung đại (Tĩnh nạn trung hưng). Đền thờ Thủy Tổ tại Nghi Khánh vừa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Dòng họ Nguyễn Đình Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí là dòng họ vẻ vang nhất trên đất Lam Hông thời Hậu Lê và Sơ Nguyễn.
 1.2. Cuộc đời: Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ tức ngày 1/7/1822 tại Gia Định nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Xuất thân bần Nho nên thuở nhỏ cũng theo Nho học. Thân phụ Nguyễn Đình Huy vào Gia định làm Thừa lại trong dinh Tổng trấn Lê Văn Duyệt, Lê Văn Duyệt vốn bị vua Minh Mạng ghét vì có ý đồ tăng cường quyền lực của Tổng trấn nhưng không trừng phạt vì là đệ nhất công thần của vua cha Gia Long. Nhưng sau khi Lê Văn Duyệt qua đời (1831), đám quan lại nối vị tại Tổng trấn đã dựng lên vụ Lê Văn Duyệt âm mưu nổi loạn do đó vua Mình Mạng đã ra lệnh san bằng mộ Lê Văn Duyệt và tiêu diệt phe cánh. Con Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi năm 1833 nổi loạn ở Gia Định và bị tiêu diệt. Trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Đinh Huy đã bỏ nhiệm sở chạy về Huế nên bị cách chức. Nguyễn Đình Chiểu được thân phụ đưa về Huế và ở nhờ nhà một người bạn để ăn học. Khoảng 1840 thì về lại Gia Định để học tiếp và thi đỗ tú tài tại trường thi Gia Định. Theo thông lệ thì Tú tài không được thi Hội, cử nhân mới được thi, nhưng được đặc ân cho thi Hội. Nguyễn Đình Chiểu ra Huế chuẩn bị thi Hôi. Đúng trước ngày thi, được tin mẹ mất (ngày 15 tháng 11 năm Mậu Thân tức ngày 10/12/1842 thọ 48 tuổi), đã bỏ thi để về chịu tang mẹ. Dọc đường vất vả lại khóc thương quá nhiều nên đau mắt và bị mù, phải tạm trú ở nhà thầy lang Trung để chữa mắt. Chữa không được nhưng đã tranh thủ học nghề thuốc. Sau đó, về lại quê nhà vừa trau dồi nghề y để chữa bệnh cho bà con cô bác vừa mở trường dạy học và sáng tác văn chương. Trước đã có nhà phú hữu hứa gả con gái cho nhưng nay đã từ hôn. Năm 1854, một người học trò là Lê Tăng Quýnh đã vận động gia đình gả em gái của mình cho thầy là Lê Thị Điền (1833- 1886) quê làng Thanh Ba quận Cần Giuộc, Long An. Năm 1858 giặc Pháp đánh chiếm Đà nẵng bị chống trả quyết liệt nên năm 1859 chuyển vào đánh chiếm Gia Định. Nguyễn Đình Chiểu phải sơ tán về quê vợ Cần Giuộc. Tháng 12 năm 1861, Pháp đánh chiếm Cần Giuộc. Con trai út của Nguyễn Đình Chiểu là Nguyễn Đình Huân bị hy sinh. Năm 1862, triều đình Huế cắt ba tỉnh miền Đông cho Pháp. Nguyễn Đình Chiểu lại chạy về An Bình Đông cách chợ Ba Tri 2 cây số thuộc Bến Tre. Ba Tri lại bị giặc chiếm. Năm 1874, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp đềù lần lươt thất bại. Cả Lục tinh Nam kỳ rơi vào tay giặc. Các chí sĩ như Nguyễn Thông không chịu sống trong vùng giặc chiếm đóng đã tìm đến tị địa ở Bình Thuận. Nguyễn Đình Chiểu vì mù lòa đành ở lại đây. Giặc Pháp biết Nguyễn Đình Chiểu là người có uy tín lớn trong nhân dân nên cho người đến mua chuộc, hứa sẽ trả lại đất đai nhà cửa nhưng Cụ Đồ đã kiên quyết từ chối với một câu nói nổi tiếng với muôn đời: Đất vua (đất của quốc gia) đã không còn thì đất tôi nghĩa lý gì”. Từ đây, trong buồn đau nghèo nàn, cụ Đồ Chiểu vẫn bốc thuốc chữa bệnh và sáng tác văn chương là hai nghề cao quí nhất trong các nghề cao quí. Ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý tức ngày 3 tháng 7 năm 1888 Cụ trút hơi thở cuỗi cùng. Người xưa từng nói: Văn là người. Xem văn thấy người. Đọc văn chương Nguyễn Đình Chiểu sẽ hiểu rõ hơn con người Nguyễn Đình Chiểu.
2. Nguyễn Đình Chiếu: Danh nhân văn hóa thế giới
 1. Sự nghiệp văn chương: Nguyễn Đình Chiểu vốn dòng dõi Nho gia nên chăm lo học hành theo đường khoa bảng mong làm một kẻ bề tôi để trí quân giúp nhà vua (Thiên tử ) đạt đến chức phận làm vua là thế thiên hành đạo (thay Trời thực hành đạo lý với quốc dân) và trạch dân đưa lại hạnh phúc cho nhân dân tựa như người múc nước ở đầm hồ để tưới cho cây cối tốt tươi. Nhưng mới 27 tuổi tai họa mù lòa đã chặn đứng khát vọng đó trong nỗi đau tột độ: “Đã cam chút phận dở dang/ Trí quân hai chữ mơ màng năm canh/ Đã cam lỗi với thương sanh/ Trạch dân hai chữ luống doanh ở lòng” (Ngư Tiều y thuật vấn đáp). Nhưng bằng một nghị lực phi thường đã vượt qua cảnh ngộ để sống cuộc đời vời nghề thuốc và nghề văn. Với nghề văn là một sự nghiệp bề thế gồm hai thời kỳ gắn với hai giai đoạn lịch sử của đất nước: Trước và sau khi bị thực dân Pháp xâm lược chiếm đóng quê hương.
Thời kỳ thứ nhất: văn chương của Cụ gắn với lý tưởng nhân nghĩa, có Lục Văn Tiên Dương Từ Hà Mậu là tác phẩm chưa rõ ở thời kỳ nào nhưng suy đoàn thì có thể là ở thời kỳ đầu mà sau có điều chỉnh. Vì trong tác phẩm có chuyện bài xích Phật giáo và Thiên chúa giáo đề cao Nho giáo.
 Thời kỳ thứ hai: văn chương gắn với lý tưởng đánh giặc cứu nước gồm có:
Thơ - Văn tế - Truyện thơ (Ghi theo nguyên tác):
Lăng mẫu Tống sử. Đơn dao phó hội, Dạ ẩm trướng trung, Bái công điếu Hạng Võ,Vương Lăng biếm Trần Bình,Thất Kinh châu, Chiêu Quân xuất tái, Trời bão, Mưa dầm thi, Nước lụt thi, Con đê thi, Vịnh Tiêu sương mã thi, Thảo thử hịch, Biệt cố nhân thi, Chạy giặc thi, Đưa chồng thi, Tế Cần Giuộc sĩ dân trận vong văn, Ký bào đệ thi,Điếu Trương tướng quân liên hoàn thập nhị thủ ,Điếu Đông các đại học sĩ Phan công nhị thủ, Điếu Ba tri Đốc binh Phan công trận vong thập thủ, Lục tỉnh sĩ dân trận vong văn,Tự thuật, Ngư Tiều vấn đáp Nho y diễn ca.
 2. Quan điểm văn chương: Hẳn là chúng ta đã quen với hai câu thơ rất nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Nhưng ở Cụ, bằng trực cảm chân lý nghệ thuật đã có một hệ thống quan điểm văn chương rất cơ bản trong muôn đời. Với Cụ, văn chương trước hết là cái Đẹp cái Cao quí là hạnh phúc Trời cho nên đến với văn chương phải là một thái độ thành kính. Với Nguyễn Du văn chương là: “Cảo thơm lần giở trước đèn/ Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”. Với cụ Đồ Chiểu thì: “Gặp thuở mày xanh siêng đọc sách/ Mỗi câu đều hưởng phúc Trời cho”. Văn chương là sự hài hòa giữa hình thức và nội dung “Văn chương ai cũng muốn nghe/ Phun châu nhả ngọc báu khoe tinh thần”, “Phun châu nhả ngọc” là vẻ đẹp của ngôn từ của hình thức nghệ thuật “Báu khoe tinh thần” là giá trị cao quí về tư tưởng tình cảm của nội dung. Có văn sĩ chân chính “Thi danh trước có Đường thần/ Tài như Lý Đỗ muôn phần đáng thương”(Lý Bạch, Đỗ Phủ). Có Kỳ Nhân Sư qua lời: “Ngư rằng: vốn thât thầy Nhu (Nho)/ Lòng cưu gấm nhiễu lại giàu lược thao/ Văn ra dấy phụng dời giao tưng bừng/ Trong mình đủ chước kinh luân/ Thêm trau đạo đức mười phân rõ ràng”. Có văn sĩ bất chính: “Thấy nay cũng nhóm văn chương/ Vóc dê da cọp khôn lường thực hư”. Văn chương nghệ thuật thì có tảhoài. “Văn chương hai chữ tả hoài”. Tả là phản ánh hiện thực khách quan. Hoài là thế giới nội tâm, là tư tưởng tình cảm cảm xúc trữ tình của nhà văn. Có tả có hoài nhưng hoài là nền tảng. Qua câu chuyện Kiều Nguyệt Nga vẽ tượng Lục Vân Tiên thì rõ. Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyết Nga khỏi bọn cướp Phong Lai. Nàng chuẩn bị ra khỏi xe mời chàng về nhà để tạ ơn. Chưa gì chàng đã nói: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra/ Nàng là phận gái ta là phận trai: “Nàng rút trâm tặng thì chàng “ngơ mặt chẳng nhìn”. Nàng ngỏ ý làm thơ lưu niệm thì chàng mới “ngó lại rằng ừ/ Làm thơ cho kịp chừ chứ kẻo lâu”. Chỉ thoáng thấy mặt chàng một tích tắc như thế mà tối hôm đó về nhà trong nỗi tương tư “Chữ tình càng tưởng càng thêm/ Muốn pha khó lạt muốn dầm khôn phai”, nàng đã “Họa ra một bức tượng hình Vân Tiên” chân thực đến mức Lục ông phải khen: “Tay chân mặt mũi giống in con mình”. Về sau, Bùi Kiệm cũng nói: “Tượng này sao giống Vân Tiên”. Rõ ràng qua câu chuyện này cho thấy quan niệm của cụ Đồ Chiểu là trong văn chương nghệ thuật thì có tả có hoài nhưng hoài là nền tảng quyết định chất lượng nghệ thuật. Quan niệm văn chương của cụ Đồ Chiểu là thuộc quan niệm “Văn dĩ tải đạo “vốn là quan niệm chủ đạo của văn học Việt nam cổ trung đại. Tải đạo là như thế không phải là những chân lý nghệ thuật của muôn đời đó sao? Dù rằng mỗi thời đại sẽ có nội dung tải đạo mang tính lịch sử cụ thể của thời đại Vậy mà ngày nay lại có xu hướng coi Văn dĩ tải đạo đã lỗi thời phải từ bỏ. Tai hại bị văn hóa phương Tây che khuất đối với văn hóa phương Đông trong đó có văn hóa Việt nam trong cuộc đụng đô văn hóa Đông Tây từ thế kỷ XIX mà nay còn di chứng là hiện tượng “dĩ Âu vi trung” là thế. Và cả việc thay chữ viết Hán Nôm bằng chữ quốc ngữ Latinh hóa tuy được rất lớn mà mất là ít nhiều gây ra hiện tượng gián cách lịch sử do qui luật khách quan“thay chữ viết là thay cả nền văn hóa”: ( Linh mục Puginier) là thế.
Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và những di sản còn mãi với thời gian ảnh 1
Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là danh nhân văn hóa thế giới   Ảnh: T.L
 3. Văn chương với lý tưởng nhân nghĩa
Mở đầu tác phẩm Lục Vân Tiên, với bút pháp văn triết bất phân thuộc phạm trù văn học trung đại, đã viết: “Trước đèn đọc truyện Tây Minh/ Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le/ Hỡi ai lắng lặng mà nghe/ Trai thì trung hiếu làm đầu / Gái thì tiết hạnh làm câu trau mình”. Trung Hiếu Tiết hạnh là thuộc Tứ đức của Nho giáo từng là chủ đề của không biết bao nhiêu tác phẩm của văn học Trung Hoa Việt Nam thời trung đại. Truyện thơ Nhị độ mai (khuyết danh) chính là phóng tác từ Trung hiếu tiết nghĩa nhị độ mai truyện của Trung Hoa. Lục Vân Tiên với chủ đề Trung Hiếu Tiết Hạnh đã dựng lên cuộc tình giữa Lục Vân Tiên với Kiều Nguyết Nga là hai nhân vật trung tâm của tác phẩm kéo theo một thế giới nhân vật thuộc hai phía chính nghĩa và phi nghĩa đụng độ với nhau mà cuối cùng chiến thắng thuộc về chính nghĩa. Lục Vân Tiên là tiêu biểu của Hiếu. Kiều Nguyệt Nga là tiêu biểu của Tiết Hạnh. Với Nho giáo, logich của Tứ đức là: Trung trên hết rồi mới đến Hiếu đến Tiết đến Nghĩa. Thì đáng ra với tác phẩm đậm nhất phải là Trung. Nhưng ở đấy Trung lại có phần lép vế so với Hiếu và Tiết Hạnh. Về Hiếu thì chàng Lục Vân Tiên là giải nhất chi nhường cho ai trong văn học Việt Nam trung đại. Hiếu là đạo của ngươi con với cha mẹ mà không đâu bị thử thách quyết liệt như với Lục Vân Tiên. Trước đó, với nàng Kiều, là chuyện “Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn” thì nàng đã “Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha” mở đầu cuộc đời mười lăm năm lưu lạc hết nạn này đến nạn kia nhưng cuối cùng thì “Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa” được Sư Tam Hợp đạo cô ghi nhận là người: “Lấy tình thâm trả nghĩa thâm/ Bán mình đã động hiếu tâm đến Trời”. Với Lục Vân Tiên, phép thử là cuộc đụng độ giữa đạo Hiếu với triển vọng một tương lai phú quí cao sang của người con. Anh chọn bên nào? Lục Vân Tiên đã chọn về chịu tang mẹ mà rồi cuộc đời của chàng rơi xuống đáy vực là thế. May được thần y cảm thương cứu cho sáng mắt để rồi bằng nghị lực phi thường mà vinh quang là thế. Còn chữ tiết? Tiết vốn có nghĩa là các đốt của thân cây. Từ đó với nam giới và nữ giới nghĩa chữ tiết khác nhau. Với nam giới, Tiết là khí tiết, tiết thảo thanh cao giữa cuộc đời. Với nữ giới, Tiết cùng với Trinh là sự thủy chung son sắt với chồng nhưng mức độ khác nhau. Trinh thì chỉ ở mức sống với chồng suốt đời không tai tiếng gì thì ngày qua đời được con cháu viết chữ Trinh trên một mảnh vải trắng để ở bàn thờ. Còn Tiết là đã phải qua thử thách gay go ác liệt ghê gớm ví như không may bị giặc bắt hãm hiêp thì tự sát để thủ tiết với chồng. Phổ biến hơn là cảnh lấy chồng đang ở tuổi đôi mươi, không may chồng chết mà cứ ở vậy vò võ một mình cho đến 50 tuổi thì được triều đình ban tặng bằng “Tiết hạnh khả phong”. Hiện tượng cực kỳ phi nhân bản của thời trọng nam khinh nữ là thế.Trong khi “Trai làm nên năm thê bảy thiếp” thì lấy đâu ra chữ tiết với vợ. Chuyện Kiều Nguyệt Nga thủ tiết với Lục Vân Tiên là khác trăm phần trăm. Kiều Nguyệt Nga trên đường bị bắt đi cống giặc Ô Qua đã nhảy xuống sông tự vận với ý nghĩ “Thôi thì một thác cho xong/ Lấy lòng thờ chúa lấy mình sự phu”. Nói “lấy lòng thờ chúa” nhưng trong khi chúa sai đi cống giặc Ô Qua mà dọc đường nhảy xuống sông tự tử thì còn gì nữa là “thờ chúa”. Nhưng với Lục Vân Tiên thì đúng là “sụ phu” dù cũng chưa hẳn là chồng. Đây là chuyện quan hệ giữa người “ơn ai một chút trọn đời không quên” với người “làm ơn không dễ mong người đền ơn” trong quan hệ song phương của chữ tiết . Tác phẩm Lục Vân Tiên cũng có chữ nghĩa là thuộc các quan hệ giữa con người với nhau trong đó có quan hệ bạn bè mà tình bạn như Vương Tử Trực. Hớn Minh với Lục Vân Tien thì quá hiếm. Ở đây, Nghĩa chính là quan hệ người với người là bạn.
 Những gì trình bày trên đây rõ ràng cho thấy, cụ Đồ Chiểu là một Nho sĩ nên không thể không ảnh hưởng đạo đức Nho giáo trong đó có Tứ đức Trung Hiếu Tiết Nghĩa. Nhưng ở Cụ,với cảm quan riêng nên trong việc xây dựng cốt truyện Lục Vân Tiên ít nhiềù đã có sự công phá logich nội hàm Tứ đức của Nho giáo theo đạo lý của người dân Viêt nam là “Chữ Hiếu ta lấy làm đầu”. Về bài Hich đánh chuột mà có sách cho thuộc thời kỳ sau nhưng tôi lại muốn coi ở thời kỳ trước này mà nội dung là phê phán bọn người sâu mọt hút máu hút mỡ dân lành cùng với đó là chuyện đả kích Phật giáo và đạo Thiên chua đề cao Nho giáo: Với Nguyễn Đình Chiểu, sống theo lý tưởng nhân nghĩa là phải biết ghét thương rạch ròi theo đúng lợi ích của người dân “Bởi chưng hay ghết cũng là hay thương”, “Quán rằng: ghét việc tầm phào/ Ghét cay ghét đấng ghét vào tận tâm/ Ghét đời Kiệt Trụ mê dâm/ Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang/ Ghét đời U Lệ đa đoan/ Để dân đến nỗi lầm than muôn phần. Ghét đời ngũ bá phân vân/ Chuộng bề dối trả làm dân nhọc nhằn/ Ghét đời thúc quí phân băng/ Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân/ Thương là thương Đức Thánh nhân/ Khi nơi Tống Vệ lúc Trần lúc Khuông/ Thương thầy Nhan Tử dở dang/ Ba mươi mốt tuổi tách đàng công danh/ Thương ông Gia Cát tài lành/ Gặp cơn Hớn mạt đã đành phôi pha/ Thương thầy Đồng Tử cao xa/ Chi thời có chí ngôi mà không ngôi/ Thương người Nguyên lượng ngùi ngùi/ Lỡ bề giúp nước lại lui về cày/ Thương ông Hàn Dụ chẳng may/ Sớm dưng lời biểu tối đày đi xa/ Thương thầy Liêm Lạc đã ra/ Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân / Xem qua kinh sử mấy lần/ Nửa phần lại ghét nửa phần lại thương”. Tôi trích lại cả đoạn thơ ghét thương của ông Quán để bạn đọc thời này biết rõ hơn người xưa như cụ Đồ Chiêủ ghét thương là vì lợi ích của nhân dân và dụa trên một nền tảng tri thức phong phú vững chãi như thế.
Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu
 4. Văn chương với lý tưởng đánh giặc cứu nước - Bước phát tiển mới của tư tưởng nghệ thuật
Giặc Pháp xâm lược quê hương đất nước, Nguyễn Đình Chiểu bị mù lòa nên không đánh giặc cứu nước bằng gươm đao được thì bằng văn chương Hồn thơ hồn văn của Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện một cách xuất sắc với những nội dung như sau. Ghi lại cái thời khắc thế cờ của đất nước người dân đang sống yên bình họp chợ họp búa thì bị giặc đến phá nát tan tành mà triều đình nhà Nguyễn thì hèn nhát không dám chống giặc: “Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây/ Một bàn cờ thế phút sa tay/ Bổ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất ổ bầy chim dáo dát bay/ Bén Nghé của tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây/ Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng/ Nợ để dân đen mắc nạn này” (Chạy Tây). Bài thơ là một phóng sự có một không hai về thời khắc mở đầu lích sử đau thương của đất nước là tác phẩm mở đầu văn chương yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu và cũng là mở đầu của vắn chương yêu nước chống Phâp của dân tộc trong hơn 80 năm mất nước (1858- 1945). Giặc chiếm quê hương, Nguyễn Đình Chiểu phải bỏ quê lên thuyền chạy giặc trong nỗi đau: “Vì câu danh nghĩa phải đi ra/ Giay mũi thuyền nam dạ xót xa”. Nhân dân Lục tình dưới sự lãnh đạo của những lãnh tụ nghĩa quân tiêu biểu là Trương Định, Phan Tòng, Nguyễn Hữu Huân… đã nổi dậy kiên cường chống giặc. Văn chương của Nguyễn Đình Chiểu là tiếng kèn xung trận, là tiêng kêu đau thương mát mát, là lời ngợi ca tôn vinh những lãnh tụ những nghĩa quân anh dũng cứu nước bị hy sinh: Tế Cần Giuộc sĩ dân trận vong văn (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc), Điếu Trương tướng quân liên hoàn thập nhị thủ (Thơ điếu Trương Định 12 bài), Điếu Ba Tri đốc binh Phan công trận vong thập thủ (Thơ điếu Phan Tòng 10 bài) Lục tỉnh sĩ dân trận vong văn (Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh). Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người đầu tiên đặt ngang hàng với Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, bản thiên cổ hùng văn vô tiền khoáng hậu của văn chương Việt nam mà với văn chương thế giới cũng hiêm, với lời bình: “Đây là hai bài ca hai thời đại một dân tộc Một là khúc ca khải hoàn. Một là khúc ca bi tráng nhưng vẫn hiên ngang”. Tôi muốn nói thêm: Đây là tượng đài nghệ thuất sừng sững đột khởi đầu tiên trong lịch sử văn chương Việt nam về người nông dân Việt nam tương xững với phẩm chất của họ ngoài đời mà xem ra về sau chưa thấy có tượng đài thứ hai như thế Riêng về thể loại văn tế thì đây là một trong số vài ba bài hay nhất của văn tế Việt nam xưa nay. Trường hợp Điếu Đông Các đại học sĩ Phan công nhị thủ (Thơ điếu Phan Thanh Giản 2 bài) thì đã có chuyện: Phan Thanh Giản là người thế nào? Phan vốn là một đại thần của triều Nguyễn từng được cứ sang Pháp để thương thuyết, sau đó là người thay mặt triều đình ký hiệp ước 1862 nhường ba tỉnh miền đông Nam bộ cho Pháp rồi uống thuốc độc tự vận. Hai con trai thì Phan Liêm vẫn chống Pháp còn Phan Tôn lại làm quan với Pháp. Phan Thanh Giản trở thành giây co của lịch sử.Sách giáo khoa thời Pháp thuộc in hình Phan Thanh Giản cầm chén uống chén thuốc độc để tự sát với dụng ý giáo dục một nhân cách cao cả cho tuổi trẻ học đường. Ở quê hương Vĩnh Long có tượng đài Phan Thanh Giản. Nhưng sau 1954 ở miền Bắc.với các sử gia như Trần Huy Liệu thì Phan là người bán nước “Phan Lâm mại quốc triều đình khí dân” (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước triều đình bỏ dân). Nhưng có người đã tra cứu thư tịch thời đó thì không thấy đâu có câu đó nên có ý cho rằng câu này là do hậu thế bịa ra để làm căn cú cho sự lên án họ Phan. Với khuynh hướng này nên sau 1975, tượng Phan Thanh Giản ở Vĩnh Long cũng bị giỡ bỏ. Chuyện đời từng là thế. Riêng tôi từ lâu vẫn nghĩ khác bởỉ tôi tin bậc tiền bối Nguyễn Đình Chiểu hơn và cũng nghĩ nhiều đến chén thuốc độc tự tử của cụ Phan vốn không dễ gì có. Điều đáng mừng là cụ Phan gần đây đã được chiêu tuyết. Vĩnh Long đã có lại khu lưu niệm Cụ là Di tích văn hóa quốc gia. Sách báo lại tôn vinh Cụ. Năm 1874, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Lục tỉnh lần lượt bị giập tắt. Lục tỉnh rơi hẳn vào tay thực dân Pháp. Một không khí buồn tủi thất vọng bao trùm lên cuộc sống. Rác rưởi về nhân cách đã bắt đầu xuất hiện. Trong cảnh ngộ hoang tàn đó, văn chương cụ Đồ Chiểu có bài thơ: Ngóng gió đông (Ngóng gió của mùa xuân từ phương đông tới):“Hoa cỏ bùi ngùi ngóng gió đống gió đông/ Chúa xuân đâu (ơi) hỡi có hay không/ Mây giăng ải bắc trông tin nhạn/ Ngày xế non nam bặt tiếng hồng/ Bờ cõi xưa đà chia đất khác/ Nắng sương nay há đội trời chung/ Chừng nàoThánh đế ơn soi thấu/ Một trận mưa nhuần rửa núi sông”. Có truyện thơ Ngư Tiều y thuật vấn đáp là một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử văn học Việt nam xưa nay là Văn Y tương dự Văn Y hợp nhất Văn Y nhất thể. Riêng về kiến thức Y học thì có ý kiến cho đã xứng đáng là một giáo trình Đông Y quí giá. Nhưng nói như cụ Lê Thước là người cùng nhà thơ Vũ Đình Liên biên soạn sách Ngư Tiều thuật vấn đáp để in năm 1957 thì phần Y chỉ là “cái vỏ” để đựng phần văn mà nổi lên là sự bất bình của tác giả với triều đình Huế đã cắt Lục tỉnh cho thực dân qua câu chuyện Thạch Kính Dương nhà Tần ở Trung quốc cắt đất hai châu U. Yên để dâng cho quân xâm lược Khiết Đan. Đồng thời là nêu cao đạo đức lẽ sống của người dân trong cảnh ngộ quê hương bị giặc chiếm đóng. Ngư Tiều vốn là hai nho sĩ để lánh nạn đã đổi tên là Ngư và Tièu trên đường cùng nhau đi tìm thầy Kỳ Nhân.sư để học nghề thuốc đã trao đổi với nhau về nghề y. Kỳ Nhân Sư là một bậc đại danh y được kẻ thù mời lám Thái y nhưng một mực chối từ và để tránh bị quấy rối đã chọc mù cả đôi mắt: “Thà cho trước mắt tối mù/ Chẳng thà ngồi ngó kẻ thù quân thân / Thà cho trước mắt vô nhân/ Chẳng thà ngồi ngó sinh dân nghiêng nghèo/ Thà cho trước mắt vắng hiu/ Chẳng thà ngồi thấy cảnh chiều phân xâm/ Thà cho trước mắt tối thầm/ Chẳng thà thấy đất lục trầm can qua/ Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn sáng mắt ông cha chẳng thờ/ Thà đui mà khỏi danh nhơ/ Còn hơn có mắt ăn nhơ tanh rình/ Thà đui mà đặng trọn mình/ Còn hơn có mắt đổi hình tóc râu/ Sáng chi theo thói chiên cầu/ Dọc ngang chẳng đoái trên đầu có ai/ Sáng chi đắm đuối tham tài/ Lung lòng nhân dục chuốc tai họa trời/ Sáng chi đua nịnh theo đời/ Nay vinh mai nhục mang lời thị phi/ Sáng chi nhân nghĩa bỏ đi/ Thảo ngay chẳng biết lỗi nghì thiên luân/ Thấy rồi muôn việc trong trần/ Xin còn hai chữ “tâm thần” ở ta/ Nguyện cùng Tạo hóa lại qua”. Tôi cũng muốn trích lại cả đoạn thơ “Thà đui” này để bạn đọc thời nay thấy rõ hơn thế nào là khí tiết thanh cao của các chí sĩ Nho gia xưa dù cho triều đình phong kiến đã hèn nhát bỏ mặc vận nước vận dân, Nho học đã bắt đầu lâm vào cảnh chợ chiều nhưng văn hóa phong kiến đức trị với lý tưởng nhân nghĩa với thuyết thiên luân của Nho giáo đã nhập thành tinh hoa văn hóa dân tộc thì vẫn còn để lại cho đất nước những người như Kỳ Nhân Sư kể cả ông Ngư và ông Tiều. Ngóng gió đôngNgư Tiều y thuật vấn đáp diễn ca đúng là văn chương giữ lửa giữ than hồng giữa đóng tro tàn để có ngày bùng cháy lại. Nói đến thơ Đường luật Việt Nam hay nhất xưa nay không thể quên Ngóng gió đông của cụ Đồ Chiểu.
Từ lý tưởng nhân nghĩa ở tác phẩm Lục Vân Tiên đến lý tưởng đánh giặc cứu nước của văn thơ yêu nước chống Pháp của Nguyễn Đình Chiểu là một bước phát triển về tư tưởng nghệ thuật thể hiện như sau: Một là, văn chương với sự đáp ứng tối đa yêu cầu của cuộc sống. Với Lục Vân Tiên xây dựng lý tưởng nhân nghĩa là gốc rễ của sự sống muôn đời. Điều cơ bản là thế. Nhưng với đất nước dưới thời triều đình nhà Nguyễn trước ngày Pháp xâm lược thì cuộc sống vẫn muốn văn chương cụ Đồ có thêm tính chất hiện thực như nó vốn có nữa. Hai là, vấn đề nhân vật trung tâm của tác phẩm. Ở Lục Vân Tiên, nhân vật trung tâm chủ yếu vẫn là các nho sinh. Nhưng đến văn chương yêu nước chống Pháp của cụ Đồ, cuộc sống cần gì thì văn chương cụ Đồ đáp ứng đầy đủ và xuất sắc yêu cầu đó. Những gì đã nói trên về văn thơ yêu nước của cụ Đồ cho thấy như thế. Về nhân vật trung tâm của tác phẩm thì đến đây là những “dân ấp dân lân mến nghĩa làm quân chiêu mộ”, là những “mẹ già ngồi khóc trẻ ngọn đèn khuya leo lét trong lều”, là những “vợ yếu chạy tìm chồng/ cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”, là các lãnh tụ chống Pháp “sống đánh giặc chết cũng đánh giặc muôn trùng theo giúp cơ binh” đúng là những nhân vật của cuộc đời thực. Cũng cần nói thêm là cụ Đồ chưa bao giờ rồi bỏ lý tưởng tôn quân. Sau vẫn “sống thờ vua thác cũng thờ vua/ Thang độc lập quyết ra ta vin với”, vẫn trông mong “Chừng nào Thánh đế ơn soi thấu/ Một trận mưa nhuần rửa núi sông”. Nhưng đây là vua đánh giặc cứu nước Chứ vua như Tự Đức không dám chống Pháp thì cụ Đồ chẳng đã lên án: “Hỏi trang giẹp loạn rày đâu vắng/ Nợ để dân đen đến nỗi này”. Cụ chẳng đã tán thành Trương Đình bất tuân lệnh ngừng đánh Pháp của vua Tự Đức đó sao “Bởi lòng chúng chẳng nghe Thiên tử chiếu / Theo bụng dân thà chịu tiếng quân phù”.
 5. Vẻ đẹp của văn chương Nguyễn Đình Chiểu
 Nguyễn Đình Chiểu đã được tôn vinh là một trong những đai thi hào của dân tộc. Tuy thế, vẫn có hiện tượng cho rằng văn chương của Cụ Đồ về nội dung tư tưởng tình cảm thì lớn lao cao quí nhất mực nhưng về nghệ thuật văn chương như Lục Vân Tiên thi đọc không dễ vào như với Truyện Kiều của Nguyễn Du Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều.= dịch phẩm Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm( ?). Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Cụ một kiệt tác hiếm hoi như thế mà có một em nữ sinh PTTH tại Hà Nội cho là không hay mà bắt học sinh học. Thực tế tiếp nhân thơ văn Nguyễn Đình Chiểu quả có chuyện đó. Vậy thì sao đây? Xin hãy đọc ý kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong bài Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc: “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường nhưng con mắt chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn càng thấy sáng/ Văn chương của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”. Không dấu gì quí vị tôi là người đã nhiều năm giảng dạy kẻ cả viết lách về văn chương của cụ Đồ mà đã được người đồng nghiệp trẻ vô cùng yêu quí là cố nhà văn Chu Văn Sơn nói vui: “Muốn biết Nguyễn Đình Chiểu thì học Nguyễn Đình Chú”. Nhưng đến khi có ý kiến trên đây của vị Thủ tướng tôi mới ngộ ra cái đẹp của” vì sao có ánh sáng khác thường” này để rồi viết trong sách giáo khoa Ngữ văn PTTH như sau: “Cái đẹp của văn chương Nguyễn Đình Chiểu không phải là cái đep của những cánh đồng lúa ở thời con gái xanh mươt lướt nhẹ trong gió chiều xuân mà là cái đẹp của những đống khoai to củ những bông lúa mầy vàng. Không phải là cái đẹp của những cô gái mỹ miều ở tuổi đôi mươi mà là cái đẹp của các mẹ già một đời hết lòng với chồng với con với cháu. Không phải là quả nhạn lồng Hưng Yên ai ăn cũng thích ngay mà là quả sầu riêng của Nam bộ ai chưa quen mới ngậm vào thấy thum thúm khó nuốt nhưng quen rồi thì rất thèm ăn bởi đậy là bậc vương giá trong thế giới trái cây của Nam bộ đắt tiền nhất. Không phải là keo Nuga ai ăn cũng thích mà là chè Tân Cương Thái Nguyên mới đầu nhấp vào đã phải nhổ ra nhưng quen rôi trưa ngủ dậy nhấp vài chén thì đến đêm vẫn thấy đượm họng”. Đúng là vậy, cái đẹp của văn chương nghệ thuật vốn là thiên hình vạn trang nhưng xa lạ với cái hỗn tạp. Mà khoái cảm thâm mỹ của người tiếp nhận cũng là muôn màu muôn vẻ. Có một sự thật là với người dân Nam Bộ trước đây thì độ say mê Lục Vân Tiên không chưng còn hơn cả độ say mê Truyện Kiều của cả nước. Bài viết “Vì sao tôi thích đọc Nguyễn Đình Chiểu” của Giáo sư Trần Văn Giàu quê Nam Bộ đã cho biết bản thân Giáo sư cũng như người dân Nam Bộ say mê đọc Lục Vân Tiên nói Lục Vân Tiên là thế nào? Cụ Lê Thước là người vào năm 1911 tìm đọc Lục Vân Tiên để giảng dạy sau này cùng Vũ Đình Liên biên soạn Ngư Tiêu y thuật vấn đáp cũng cho biết nhận thức giá trị văn thơ Nguyễn Đình Chiểu là thế nào với nhiều người khác với Truyện Kiều Cung oán ngâm. Còn với cụ thì càng nghiên cứu càng thấy nhiều giá trị cao quí. Đúng là phải biết làm giàu khoái cảm thẩm mỹ một cách có bản lĩnh. Với văn chương của Nguyễn Đình Chiểu qui lại là cái đẹp từ một nhân cách sáng như gương trong như tuyết vẹn toàn chính nghĩa cảm suốt đời vì nước vì dân dẫn đến cái đẹp của đỉnh cao nhất của văn chương đạo lý trữ tình trong dòng văn chương đạo lý của lịch sử văn chương Việt nam xưa nay, cái đẹp của ngọn cờ đầu của văn chương yêu nước chống Pháp của dân tộc trong hơn 80 năm (1858 - 1945), là cái đẹp của tượng đài nghệ thuật sừng sững đầu tiền về người nông dân Việt nam tương xứng với phẩm chất của họ ngoài đời mà nay chưa thấy đâu được như thế.
 6. Nguyễn Đình Chiểu đa sống vinh quang với dân tộc và lịch sử
 Ngay lúc Cụ còn tại thế, tác phẩm Lục Vân Tiên đã được người Việt Nam ta kể cả người Pháp có văn hóa trận trọng dù động cơ có khác nhau. Với ta, đó là vật báu của đất nước cần bảo lưu và phổ biến rổng rãi. Với người Pháp hoặc là bắt đầu tiến hành công cuộc nghiên cứu Đông phương học hoặc là muốn cai trị Việt Nam cần biết cuộc sống Việt Nam con người Việt Nam là thế nào? Với ta thì đã phiên âm ra chữ quốc ngữ để phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Mà từ đó đã có hiện tượng văn hóa Lục Vân Tiên, tuy khồng bề thế như hiện tượng văn hóa Kiều tới mức kiệt tác nhất nào của thế giới cũng không đâu có như thế. Nhưng với Lục Vân Tiên thì đã có Hậu Văn Tiên, Hậu Vân Tiên diễn ca. Vân Tiên cờ bạc, Vân Tiên đời nay, Trịnh Hâm tạp phú, Đơn Nguyệt Nga kêu oan cho Bùi Kiệm, Thơ Bùi Kiệm dặm, Đơn Bùi Kiệm kiện Võ Thái Loan, Luc Vân Tiên phú. Lục Vân Tiên cải lương, Lục Vân Tiên tuồng, Lục Vân Tiên điện ảnh. Lục Vân Tiên và đặc biệt là Truyện Kiều là hai truyện thơ đầu tiên của văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Pháp. Lục Vân Tiên, có bản in ở Pháp. Năm 1873, G. Janneau đã có bài giới thiệu Lục Vân Tiên trên mặt báo tại Paris, Năm 1883, Abel des Michels đã dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp in ở Paris- Ernest `Leroux. Năm 1883, Michen Ponchon đến thăm Nguyễn Đình Chiểu, Pillet cũng có bài báo tả chân dung cụ Đồ. Tiếp đó thì sách báo ngày một đua nhau sưu tầm nghiên cứu giới thiệu Nguyễn Đình Chiểu liên tục dù trong thời gian đất nước chưa qui về một mối như từ sau 30/4 /1975. Sau Truyện Kiều, Lục Vân Tiên là tác phẩm được tái bản nhiều nhất của văn học Việt Nam xưa nay. Bản Mục lục về văn thơ Nguyễn Đình Chiểu do Nguyễn Văn Hoàn biên soạn trong sách Nguyễn Đình Chiểu tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật in 20200 bản tại Nhà máy in Thống nhất năm 1973 cho biết có 264 công trình. Đặc biệt ở thời chống Mỹ thì không tác giả nào của văn học Việt Nam như Nguyễn Đình Chiểu được sống dậy vẻ vang đền thế. Ở miền Bắc, năm 1972 Nhà nước Kỷ niệm 150 năm sinh Nguyễn Đình Chiểu ở Thủ đô Hà Nội và một vài cơ sở trọng thể hơn cả kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du năm 1965. Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ đọc lời khai mạc đại lẽ kỷ niệm. Có Hội thảo khoa học với sự tham gia của những chính khách và học giả như: Nguyễn Khánh Toàn, Hà Huy Giáp, ĐặngThai Mai, Trần Văn Giàu, Lê Thước, Ca Văn Thỉnh, Hoài Thanh, Xuân Diệu….. Có nhà Việt Nam học người Liên Xô là Niculin và ông Hoàng Dật Cầu người Trung quốc từng dịch Truyện Kiều ra Trung văn tham gia. Không chỉ ở miền Bắc mà tại các khu giải phóng của miền Nam cũng tổ chức kỷ niêm. Năm 1982, viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh cùng tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 160 năm sinh Nguyễn Đình Chiểu và cũng có Hội thảo khoa học phong phú có Kỷ yếu do Sở Văn hóa Thông tin và Hội văn nghệ tỉnh Bến Tre in năm 1983. Riêng trong chương trình Ngữ văn ở các bậc học PTCS THPT và các trường trung cấp sư phạm cao đẳng sư phạm đại học có ngành văn, văn thơ Nguyên Đình Chiểu đều được học tập với vị trí một tác giả lớn. Cũng nói thêm phần mộ và nhà thờ cụ Đồ tại Ba Tri Bến Tre sau ngày thống nhất đất nước (1975) đã được nâng câp một cách khang trang thành Khu Dí tích lích sử văn hóa quốc gia có nhiều lãnh đạo cao cấp của Nhà nước cùng nhân dân nhiều miền của đất nước đặc biệt là học sinh đến tham quan chiêm bái.
* * *
Để kết thúc bài viết này, với tư cách một người tưng may mắn đượcS nghiên cứu giảng dạy văn thơ Nguyễn Đình Chiểu trước sau ngày nghỉ hưu hơn một nửa thế kỷ mà gần đây có tài liệu cho là đồng tộc với Nguyễn Đình Chiểu tiên sinh xin được coi đây là một nén tâm hương thành kính và tự hào dâng lên anh linh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu.
 

 

Nguyễn Đình Chú

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây