Vận dụng lý thuyết phê bình sinh thái vào dạy học văn bản học ở trường THPT qua phương pháp đóng vai

Thứ ba - 20/08/2024 06:08 0
Đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn trung học phổ thông                      Phương pháp dạy học văn mới mang lại nhiều cảm hứng cho học sinh THPT    Ảnh: Báo Quân đội nhân dân                                                                       
I. Mở đầu
      Đọc hiểu là một trong những hoạt động thiết yếu của con người nhằm mục đích chiếm lĩnh tri thức văn hóa. Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có môn Ngữ văn đòi hỏi người học phải có tính chủ động, sáng tạo, phát huy tinh thần tự học để quá trình học đạt hiệu quả thực sự. Chương trình đặc biệt quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ quan tâm học sinh vận dụng được cái gì qua việc học. Một trong những nhiệm vụ cơ bản của chương trình là việc nhận thức đúng vai trò và ý nghĩa của của giờ đọc hiểu văn bản. Điều này vừa đem đến thách thức cho người dạy vừa mở ra cơ hội cho sự đột phá trong việc lựa chọn hướng tiếp cận văn bản.
Vận dụng lí thuyết liên ngành là một trong những hướng đi nhằm thay đổi đọc hiểu và dạy học đọc hiểu trong nhà trường, góp phần tạo diện mạo mới cho môn Ngữ văn, phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh (HS). Việc rút ra giá trị của các văn bản văn học (VBVH) dưới những góc nhìn liên ngành mới mẻ sẽ kết nối văn học với với những vấn đề xã hội. Đây là hướng tiếp cận vừa làm phong phú thêm cho quá trình tiếp nhận văn học vừa đảm bảo đặc trưng môn học.
            Thời gian gần đây, môi trường sống của chúng ta đang bị hủy hoại một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn lao đến đời sống của vạn vật và con người. Con người không thể ở ngoài cuộc để làm khán giả, mà phải gánh vác trách nhiệm to lớn. Phê bình sinh thái (PBST) cũng vì thế mà xuất hiện ở Việt Nam, tuy mới mẻ nhưng đã thể hiện tính ưu việt lớn lao trong việc thức tỉnh ý thức trách nhiệm của con người với hệ sinh thái. Điều đó đặt ra yêu cầu cho giáo viên (GV) dạy học môn Ngữ văn, là cần phải chú trọng hoạt động dạy học đọc hiểu và khám phá văn bản từ một góc nhìn PBST để đưa văn bản văn học gần với những vấn đề mang tính thời đại của đời sống. Song, trên thực tế dạy học, vấn đề này vẫn chưa được giáo viên thực sự chú tâm, việc vận dụng bằng phương pháp nào cho hiệu quả thì vẫn còn là còn bỏ ngỏ. Nhận thức rõ nhiệm vụ đó, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất: Vận dụng phê bình sinh thái vào dạy học văn bản văn học ở trường phổ thông qua phương pháp đóng vai.
2. Nội dung
2.1. Khái lược về sinh thái và phê bình sinh thái từ góc nhìn vận dụng lý thuyết vào dạy học đọc hiểu văn bản văn học 
​​​​Khái lược về sinh thái
Thuật ngữ “sinh thái” được bắt nguồn “oikos” trong tiếng Hi Lạp có nghĩa là "nhà" hay "nơi để sống". Ban đầu người ta hiểu khái niệm sinh thái từ góc độ sinh vật học ý chỉ trạng thái sinh tồn và mối quan hệ giữa các sinh vật với môi trường tự nhiên.
Đến khoảng những năm 1900, sinh thái học trở thành môn khoa học độc lập, cũng kể từ đó thuật này trở nên quen thuộc với tất cả mọi người. Theo nguyên nghĩa, sinh thái học được xem là phân khoa của sinh vật học thiên về lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Khi xã hội loài người phát triển, với trí óc và sự sáng tạo, con người dần tách khỏi tự nhiên và khẳng định quyền lực của mình. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử từ văn minh nông nghiệp đến văn minh công nghiệp, con người luôn có mối quan hệ đặc biệt với tự nhiên. Con người chỉ có thể tồn tại khi sống hài hòa với tự nhiên, tôn trọng và bảo vệ tự nhiên. Con người nhận ra rằng, tự nhiên là môi trường sống của muôn loài trên Trái Đất này.
Từ nội hàm của thuật ngữ sinh thái trên đây, ở góc độ sinh vật học, được xem là một phân khoa thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, chúng ta thấy được con người và môi trường có mối quan hệ cộng sinh, quan hệ hài hòa, gắn kết với nhau. Đây chính là tiền đề quan trọng cho việc vận dụng lý thuyết PBST vào dạy học đọc hiểu văn bản văn học ở trường phổ thông.
Phê bình sinh thái từ góc nhìn vận dụng lý thuyết vào dạy học đọc hiểu văn bản học 

       Phê bình sinh thái (tiếng Anh: ecocriticism) là ngành nghiên cứu về văn học và môi trường từ quan điểm liên ngành. Từ quan điểm sự kết hợp văn học và sinh thái học của William Rueckert đến quan điểm triết học đưa sinh thái vào phê bình văn học của Karl Kroeber, tác giả James S. Hans lại cho rằng phê bình sinh thái là nghiên cứu văn học trong bối cảnh xã hội và địa cầu. Đến năm 1994 tại hội thảo khoa học Phê bình sinh thái ở thành phố Salt Lake (Mĩ), Scott mở rộng nội hàm Phê bình sinh thái bao gồm cả lối viết tự nhiên. Đến năm 1996 giáo sư Cheryll Glotfelty đưa ra định nghĩa “Phê bình sinh thái là khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên” [1,tr.53]. Định nghĩa này chỉ rõ yêu cầu nổi bật của PBST là làm rõ mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong các văn bản.
     Tác giả William Howarth lại cho rằng phê bình sinh thái là việc giải quyết “quy luật tự nhiên”.
     Trong chuyên luận “Tượng tượng về môi trường: Thoreau, lối viết tự nhiên và sự hình thành văn hóa Mĩ”, Giáo sư Lawrence Buell đi “Từ tinh thần thực tiễn của chủ nghĩa môi trường, tiến hành nghiên cứu mối quan giữa văn học và môi trường” [1, tr.57-58]. Từ những quan điểm PBST của các học giả Âu Mĩ, học giả Vương Nặc đã đưa ra định nghĩa PBST chú ý đến đặc trưng thẩm mỹ của Phê bình sinh thái bằng việc đề xuất khám phá thẩm mĩ và biểu hiện nghệ thuật trong nội tại các tác phẩm văn học.
     Có nhiều quan điểm khác nhau về PBST, tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy lại thống nhất với quan điểm của rằng “Phê bình sinh thái là phê bình văn học nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và tự nhiên từ định hướng tư tưởng của chủ nghĩa sinh thái, đặc biệt là chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái thông qua việc khám phá thẩm mĩ sinh thái và biểu hiện nghệ thuật của nó trong tác phẩm” [2, tr.157].  
       Lí thuyết PBST có nhiều đặc trưng quan trọng, xét từ góc độ ứng dụng trong dạy học ta thấy một số đặc trưng nổi bật sau: Phê bình sinh thái hướng tới phạm trù cái hài hòa; PBST mang bản chất của phê bình văn hóa; PBST không xa rời phân tích văn bản văn học.
Những quan điểm không giống nhau về PBST đã tạo nhiều hướng khác nhau trong cách phân tích, đánh giá, nhìn nhận lại cho các nhà nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam sau này. Đặc biệt, lí thuyết PBST định hướng cho bạn đọc- giáo viên trong việc tiếp cận văn bản văn học ở một góc nhìn mới mẻ hơn: đặt tác phẩm- con người trong mối quan hệ bình đẳng với môi trường, ngược lại với lí thuyết khoa học nhân văn lấy “con người làm trung tâm” hay “trái đất làm trung tâm”. Hơn thế, chúng tôi nhận thấy việc vận dụng lí thuyết PBST trong dạy học đọc hiểu các tác phẩm văn học ở trường THPT là cách để môn Ngữ văn đặt đúng vị trí và sứ mệnh của mình trong mối tương quan với các ngành khoa học khác. Quan trọng hơn, việc đưa đến một góc tiếp cận mới với các văn bản văn học sẽ giúp hướng tới đáp ứng được nhu cầu đổi mới toàn diện giáo dục hướng tới hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất cho người học, trong đó có năng lực đặc thù ở môn Ngữ văn (năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học). Với sự biến đổi môi trường sinh thái hiện nay, việc khơi dậy trách nhiệm cộng đồng, ý thức cá nhân thông qua việc dạy học môn Ngữ văn, nhất là đọc hiểu văn bản văn học là phản ứng rất cần thiết, mặc dù sự phản ứng này có vẻ muộn màng.
        Phải thừa nhận rằng, việc vận dụng lí thuyết PBST trong dạy học đọc hiểu văn bản theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS có ý nghĩa vô cùng quan trọng và phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới dạy học Ngữ văn: dạy đọc hiểu văn bản từ góc nhìn phê bình sinh thái giúp học sinh bồi đắp tình yêu thiên nhiên; nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường: bảo vệ dòng sông và nguồn nước; hình thành và phát triển ý thức tôn trọng tự nhiên, quý trọng mẹ Trái đất; vận dụng PBST trong dạy học đọc hiểu VBVH đặt HS vào các vai với những tình huống thực tiễn của môi trường, đời sống, lí giải hay đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề; qua việc đọc hiểu văn bản, bước đầu giúp học sinh nhận diện mối quan hệ giữa con người và tự nhiên có những chiều hướng khác nhau qua từng giai đoạn lịch sử.
        Trên cơ sở lý thuyết PBST, sự cần thiết của việc vận dụng lý thuyết PBST vào dạy học VBVH ở trường phổ thông, trong phạm vi hẹp của bài viết, chúng tôi chọn vận dụng PBST nhằm tăng cường kết nối các vấn đề thực tiễn thông qua phương pháp đóng vai.
SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐÓNG VAI TRONG DẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN Ở TRƯỜNG THPT NGHĨA DÂN
                                             Phương pháp đóng vai trong dạy học môn Ngữ văn ở trường THPT   Ảnh: internet
2.2. Yêu cầu và vận dụng lý thuyết phê bình sinh thái vào dạy học đọc hiểu văn bản văn học ở trường THPT qua phương pháp đóng vai
2.2.1. Yêu cầu vận dụng lý thuyết phê bình sinh thái 

   Để vận dụng lí thuyết PBTS đạt hiệu quả cao, GV cần nắm được ba yêu cầu cơ bản sau đây:
Thứ nhất, đảm bảo mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. 
Nghĩa là đích cuối của việc vận dụng lí thuyết PBST phải hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Muốn đạt được điều này, GV dạy học cần biết lựa chọn nội dung dạy học để lồng ghép, liên hệ, chuyển hoá quan điểm PBST cho HS, định hướng đọc hiểu văn bản từ nhiều chiều kích khác nhau. Cùng với đó, GV phải chủ động lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp để vừa vận dụng linh hoạt, mềm dẻo lý thuyết vừa tạo nên sự đa dạng trong những góc nhìn mới nhưng không làm nặng thêm nội dung kiến thức bài học. Việc sử dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học cụ thể nào đều phải dựa vào ý nghĩa, vai trò của PBST.
Thứ hai, bám sát đặc trưng, đảm bảo tính chỉnh thể của văn bản văn. Yêu cầu này đặt ra cho người dạy trong quá trình vận dụng lí thuyết PBST vào dạy học đọc hiểu VBVH vừa phải bám sát đặc điểm về ngôn từ và hình tượng vừa khai thác tinh thần văn hóa sinh thái trong các văn bản. Dựa vào đó, HS biết kết nối giá trị văn bản văn học với các vấn đề thực tiễn trong đời sống. Đây cũng chính là tính hài hoà trong quan điểm của PBST.
  Thứ ba, phát triển quan điểm dạy học tích hợp sâu. Yêu cầu này đòi hỏi người dạy phải giúp HS khai thác nội dung sinh thái trong văn bản văn học bằng quan điểm PBST. Theo hướng này cần chú trọng cho HS khơi dậy “tinh thần sinh thái” qua thế giới tự nhiên trong các VBVH; đặt văn bản trong mối quan hệ đa chiều của môi trường sinh thái để lí giải ý nghĩa của văn bản. Theo đó, HS nêu ra những ý kiến phản biện với tác giả, tác phẩm để làm phong phú hơn giá trị và ý nghĩa thực tiễn của văn bản.
     2.2.2. Vận dụng lí thuyết Phê bình sinh thái vào dạy học đọc hiểu văn bản văn học ở trường phổ thông qua phương pháp đóng vai
        Dựa trên việc nghiên cứu về cơ sở lý thuyết PBST, các yêu cầu vận dụng và những VBVH trong chương trình ở THPT hiện hành, chương trình mới, chúng tôi vận dụng lý thuyết PBST vào dạy học đọc hiểu văn bản văn học qua phương pháp đóng vai dưới đây:
        2.2.2.1. Mục tiêu
Đóng vai  phương pháp dạy học tích cực. Ở đó, học sinh chủ động, tích cực xác định vấn đề, đóng vai để giải quyết vấn đề, bộc lộ quan điểm. Vấn đề cần giải quyết có thể là một câu chuyện có thật hoặc chuyện được viết dựa trên những tình huống thường xảy ra trong cuộc sống thực tiễn để minh chứng cho một vấn đề hay một số vấn đề. Sử dụng phương pháp đóng vai sẽ kết nối chặt chẽ văn bản văn học với đời sống, tích hợp giáo dục môi trường. Đồng thời, hướng tới phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho HS. Phương pháp đóng vai thực chất là hình thức cụ thể của dạy học giải quyết vấn đề ở mức độ cao. Đây là phương pháp dạy học trong đó HS bằng cách tự đặt mình vào vị thế, góc nhìn của người trong cuộc để nghiên cứu một tình huống thực tiễn và tiến hành giải quyết các vấn đề của tình huống đặt ra. HS thấy được góc nhìn về vấn đề từ vai của mình, của bạn, biết so sánh vấn đề này với các vấn đề khác. Theo đó, HS biết bảo vệ quan điểm và đưa ra quyết định về vấn đề mình lựa chọn.
Vận dụng lí thuyết PBST vào đọc hiểu các VBVH đặt HS đứng trước những thực tiễn nảy sinh vấn đề hoặc từ những vấn đề của môi sinh liên hệ để đánh giá lại các tác phẩm văn học. Chẳng hạn, cách đặt nhan đề ở “Đất nước”- Nguyễn Đình Thi, “Lính đảo hát tình ca trên biển”- Trần Đăng Khoa, “Đi trong hương tràm”- Hoài Vũ, “Mùa hoa mận”- Chu Thùy Liên,"Người ở bến sông Châu" - Sương Nguyệt Minh (Sách Ngữ văn 10, tập 2, Cánh Diều), "Người lái đồ sông Đà" - Nguyễn Tuân, “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”- Hoàng Phủ Ngọc Tường (Sách Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD, 2010) có ý nghĩa gì? Hay trước hiện tượng nắng nóng gay gắt ở miền Bắc, nước ta và nhiều nước trên thế giới, thiếu điện trầm trọng ở miền Bắc, em thay đổi tư duy gì khi khám phá vẻ đẹp sông Đà trong tùy bút “Người lái đò sông Đà”. Dùng phương pháp đóng vai, chúng tôi hướng tới việc giúp HS tự đặt ra những vấn đề về môi trường và làm quen với việc xem xét vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau để lí giải tác phẩm, qua đó, HS đưa ra quan điểm chính kiến riêng của mình.
       2.2.2.2. Cách thức tiến hành
  Bước 1: Thiết kế và mô tả tình huống
GV dựa vào những vẫn đề môi trường nóng hổi đã đang xảy ra trong thời gian gần đây mà dự luận quan tâm để lựa chọn vấn đề phù hợp. Việc xác định rõ mục tiêu bài học sẽ giúp giáo viên xác định được các yếu tố khách quan, góp phần quyết định trực tiếp đến sự thành công cho quá trình dạy học, cụ thể là thời gian, tín ngưỡng, tôn giáo, tầng lớp xã hội, quan hệ giữa các nhóm tham gia.Theo đó, những tình huống được chọn để thiết kế không quá dài hoặc quá ngắn một mặt đảm bảo cho việc thảo luận, mặt khác phù hợp với đặc điểm HS và vấn đề môi trường mà xã hội quan tâm.
HS đọc (hoặc xem, hoặc nghe) về tình huống. Có thể là video về sự hùng vĩ về công trình thủy điện sông Đà, kí sự sông Đà, hình ảnh về cuộc sống con người miền Bắc hiện nay đang chịu cảnh nắng nóng, thiếu điện sinh hoạt, sản xuất.
Bước 2: HS đóng vai và giải quyết tình huống.
Sau khi giao nhiệm vụ cho HS đóng vai, GV dành một khoảng thời gian nhất định để HS nhập vai, thể hiện quan điểm của mình trước tình huống dạy học. Quá trình này HS là người đề xuất các giải pháp, kiến nghị cách giải quyết. GV đóng vai trò là người đặt ra các câu hỏi phản biện để kiểm chứng các vấn đề nảy sinh từ VBVH. GV có thể tổ chức cho HS thực hiện đóng vai bằng nhiều hình thức khác nhau.
       Hình thức HS thực hiện đóng vai độc lập, sau thời gian đặt mình vào vị thế, huy động những trải nghiệm của cá nhân, soi xét vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, đề xuất giải pháp phù hợp theo quan điểm của bản thân về vấn đề. Các giải pháp tập trung các vấn đề: vị trí con người trước thiên nhiên; vai trò của thiên nhiên trong đời sống con người; làm thế nào để con người sống hài hòa với tự nhiên… GV định hướng kiến thức, kĩ năng, phương pháp, đồng thời, quan sát, lắng nghe, dựa vào những tri thức hiểu biết của HS để điều chỉnh, hướng dẫn giúp HS khám phá.
        Hình thức HS thực hiện đóng vai theo nhóm: Lớp được chia thành nhiều nhóm để giải quyết các trường hợp đặt ra từ các VBVH. HS đóng vai là người đề xuất các giải pháp, kiến nghị cách giải quyết: Con người thay đổi định kiến về thiên nhiên; tư tưởng tôn trọng thiên nhiên hướng tới sống hài hòa; nâng cao ý thức về hệ sinh thái, tư tưởng sinh thái trung tâm… GV đóng vai là người đặt ra các câu hỏi phản biện để kiểm chứng các vấn đề nảy sinh từ VBVH: Tư tưởng con người và thiên nhiên hài hòa được thể hiện như thế nào? Con người có phải là chủ nhân của Trái đất và hệ sinh thái? Sự biến đổi của thiên nhiên đã tác động như thế nào tới đời sống con người? Yếu tố thiên nhiên trong các VBVH thách thức con người như thế nào?
Bước 4: Thảo luận, đánh giá, kết luận
GV kiểm tra vì sao HS chọn cách giải quyết tình huống theo hướng đó, để HS trình bày quan điểm của mình. Sau khi HS trình bày xong, GV nên cho cả lớp nhận xét về phần trình bày của bạn hoặc có thể cho cả lớp thảo luận nhằm chọn ra cách giải quyết tình huống tối ưu, được nhiều người đồng tình nhất. GV nhận xét phần trình bày của các em, dựa vào nội dung tình huống đã đưa ra, GV rút ra kết luận về cách giải quyết trường hợp, kết luận kiến thức, đề xuất vấn đề mới, hướng vận dụng vào thực tiễn. Giáo viên khái quát kiến thức là cần thiết, tuy nhiên cần tôn trọng ý kiến riêng, cách lí giải, tiếp nhận riêng; điều này cũng đồng nghĩa với việc phát huy tính sáng tạo của học sinh.
      Dựa vào những vấn đề môi trường mang tính thời sự đã đang diễn ra trong thời gian gần đây được dư luận đặc biệt chú ý, GV có thể lựa chọn để thiết kế và mô tả tình huống như bão lũ, hạn hán, xâm ngập mặn, ô nhiễm không khí, cháy rừng… HS dựa theo các câu hỏi hướng dẫn của GV, đặt mình vào các tình huống đưa ra quan điểm của bản thân về các vấn đề đó. Ví dụ khi dạy học “Người lái đó sông Đà”- Nguyễn Tuân, HS xem hình ảnh về hiện tượng hạn hán kéo dài, thay đổi thời tiết ảnh hưởng đến miền Bắc Việt Nam giữa năm 2023: hạn hán ở miền Bắc, cảnh sống thiếu nước, thiếu điện sinh hoạt, thiếu điện sản xuất. HS xác định vấn đề sự biến đổi môi trường. Sau khi mô tả tình huống, nêu nhiệm vụ cụ thể, GV yêu cầu kết quả cần đạt cho HS:
Mô tả tình huống Nhiệm vụ Yêu cầu kết quả
Hiện tượng hạn hán kéo dài miền Bắc Việt Nam giữa năm 2023: lượng mưa ít, mực nước thấp (chết) ở đập thủy điện, thiếu điện, làm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất nhân dân đảo lộn, … Lớp chia nhóm đóng vai khảo sát:
  • Thực trạng vấn đề
  • Nguyên nhân
  • Hậu quả tác động đến cuộc sống
  • Báo cáo bằng hình ảnh
  • Các video
  • Số liệu thống kê
- HS trình bày kết quả, từ đó, rút ra sự ảnh hưởng to lớn của việc thay đổi môi trường đặt con người đứng trước các vấn đề thách thức.
- Từ kết quả của HS, GV rút ra nhận xét, định hướng, chúng ta cần có tư duy phản biện từ các vấn đề đặt ra từ các văn bản văn học, đặc biệt khi học tác phẩm thể kí: “Người lái đò sông Đà” (Nguyễn Tuân).
2.2.2.3. Các dạng đóng vai
Vận dụng lí thuyết PBST qua phương pháp đóng vai, chúng tôi đề xuất các dạng đóng vai sau đây có thể giúp HS bày tỏ được quan điểm về các tình huống nảy sinh từ môi trường sống quanh ta.
* Đóng vai phát hiện vấn đề
          HS tự lực tập trung vào những vấn đề các em cảm thấy khó khăn trong nhận thức cũng như trong thực tiễn, không phải ngay lập tức khi đọc hiểu VBVH có thể giải quyết, mà cần có thời gian huy động những trải nghiệm đã có của cá nhân để phát hiện. Vấn đề phát hiện cần đáp ứng các yêu cầu: tồn tại vấn đề, gợi nhu cầu nhận thức và gây niềm tin giải quyết ở bản thân.
          Việc phát hiện nên chú ý đến các yếu tố thiên nhiên trong các VBVH gợi đến những vấn đề nào: ý thức bảo vệ môi trường, vai trò của thiên nhiên, tác động của thiên nhiên đối với con người, các hiện tượng tự nhiên đặt con người trước thách thức gì… Ví dụ: Sông Đà dữ dội với dòng chảy đã được con người chế ngự để xây dựng 05 công trình thủy điện (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát) nổi tiếng trong khu vực. Em có suy nghĩ gì về sự việc này?
           * Đóng vai tìm thông tin
         HS đặt mình vào những tình huống được nảy sinh từ các VBVH, tìm kiếm những thông tin liên quan đến vấn đề. Từ đó, bước đầu có thu thập các thông tin liên quan để làm sâu cho hiểu biết và nhận định của mình.
          HS có thể tìm các yếu tố thiên nhiên trong các VBVH gợi ra những vấn đề xã hội đang quan tâm như: môi trường, vai trò sinh thái… Ví dụ: Thiên nhiên trong “Đất nước”- Nguyễn Đình Thi đẹp, thơ mộng, trữ tình.Vẻ đẹp của bức tranh mùa thu thức tỉnh người đọc điều gì về thiên nhiên và vai trò của nó với con người như thế nào?
          *Đóng vai khảo sát
        HS đặt mình trước tình huống có vấn đề gợi ra từ tác phẩm, tiến hành khảo sát một vấn đề mà em thấy tâm đắc hoặc có thể tập trung khảo sát về sự biến đổi của tự nhiên trước tác động của con người, những hậu quả để lại, sự tác động đến đời sống trước sự thay đổi của tự nhiên. Ví dụ: Trong "Người ở bến sông Châu”- Sương Nguyệt Minh, chi tiết ở đầu tác phẩm tác giả có viết: “Hôm ấy, nước sông Châu đỏ quạch. Sóng lớp lớp đập tung vào trụ cầu đổ đứng trơ trọi giữa dòng nước từ thời bom Mỹ thả. Hoàng hôn màu đỏ ối. Mây đen trắng lẫn lộn bay cuồn cuộn. Nước sông Châu mỗi lúc một lên cao, chảy xiết. Đám rước dâu ngồi trên đò bảo nhau: Lũ mạn ngược đổ về…” gợi cho em suy nghĩ gì?
* Đóng vai đánh giá
          Từ những số liệu, HS bước đầu đưa ra các đánh giá của bản thân. Ví dụ: Qua những văn bản văn học thuộc thời kì văn học trung đại như “Tự tình”- bài 2, Hồ Xuân Hương, “Câu cá mùa thu” (Nguyễn Khuyến), “Gương báu khuyên răn”- bài 43, Nguyễn Trãi…(Sách Ngữ văn 10, tập 2, Cánh Diều, NXB Đại học Huế, 2022), HS có thể đánh giá con người từ xưa vốn đã sống gắn bó hài hòa với tự nhiên, có tư tưởng tôn trọng tự nhiên.
       Hoặc là HS đưa ra quan điểm về tác động qua lại, về vị trí và mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người…
 * Đóng vai tìm phướng án giải quyết
        HS tìm ra, đề xuất những phương án giải quyết vấn đề. Ví dụ: Chế ngự dòng chảy của sông Đà để xây hệ thống thủy điện vừa phục vụ cuộc sống vừa cân bằng sinh thái.
     Cũng có thể đóng vai tìm để thấy mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, từ đó đặt ra vấn đề, con người cần làm gì? Tư tưởng tôn trọng tự nhiên mang lại lợi ích gì cho con người?
2.2.2.4. 
Lưu ý
 Khi tiến hành phương pháp này, GV cần kết nối các vấn đề mang tính cập nhật với đời sống. HS cần huy động những trải nghiệm sẵn có của bản thân ở địa phương để gắn tác phẩm văn học, đặc biệt là vấn đề môi trường sống…
 Tư tưởng PBST được mô tả cần dựa vào mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, gắn với trải nghiệm văn hóa vùng miền, hiểu biết cá nhân của HS với những vấn đề biến đổi môi trường xung quanh tác động như thế nào đến đời sống con người.
 GV chú ý phân phối thời gian hợp lí, giao nhiệm vụ cụ thể, kiểm soát định hướng HS kịp thời. Đồng thời, kích hoạt những tri thức về tự nhiên, về xã hội và con người mà người học đã trải qua quá trình trải nghiệm, tiếp thu, tích lũy được để soi xét vấn đề ở đa diện, nhiều chiều, theo đó có cách giải quyết hợp lí, thuyết phục.
Ngoài ra, khi vận dụng lý thuyết PBST qua phương pháp đóng vai cần gắn với giá trị của tác phẩm để mở rộng tình huống gắn với vấn đề của thực tiễn. Vì suy cho cùng, văn học bắt nguồn từ cuộc sống và thông qua những từ ngữ, hình ảnh, những bút pháp nghệ thuật mà tác giả đã tài tình vận dụng để phản ánh. Dạy học Ngữ văn không chỉ dừng lại ở việc giúp cho học sinh tiếp thu những tri thức, kiến thức, kĩ năng theo mục tiêu đã xác định mà thông qua việc dạy học còn giúp học sinh trang bị vốn sống, vốn kinh nghiệm được chắt lọc, chưng cất trong mỗi bài học để vận dụng một cách sáng tạo, chủ động vào cuộc sống của mỗi cá nhân.
3. Kết luận
 Đổi mới phương pháp dạy học văn bản văn học theo hướng đọc hiểu bằng những góc nhìn mới đang mở ra những cơ hội lớn để người dạy cũng như người học tiếp cận những nội dung mới của thời đại trong một thế giới phẳng về thông tin như hiện nay. Đặc biệt hơn là cách tiếp cận VBVH ở góc nhìn PBST phù hợp với tinh thần đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có môn Ngữ văn. Rõ ràng là dạy học theo hướng liên ngành này đã kích thích được HS trong việc huy động những trải nghiệm đã có vào giải quyết tình huống thực tiễn, rút ra được giá trị của các văn bản văn học, từ đó, thấy được văn học rất cần cho cuộc sống, học văn là để làm việc, để sinh sống suốt đời.
Việc vận dụng lý thuyết PBST vào dạy học VBVH qua phương pháp đóng vai đã mở ra cho học sinh cơ hội đặt mình vào nhiều góc nhìn đa dạng khác nhau, bộc lộ quan điểm của bản thân về những tình huống thực tiễn và đưa ra được quyết định. Cũng qua quá trình này HS cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm sẻ chia, có lòng trắc ẩn, vị tha; có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn. Bồi dưỡng cho học sinh sống có tinh thần, có trách nhiệm trong việc nâng cao ý thức, thái độ, hành động bảo vệ môi trường, sống chan hòa với thiên nhiên. Tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc để góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam cũng được nảy nở qua đây. Như vậy, việc vận dụng lý thuyết PBST vào dạy học VBVH qua phương pháp đóng vai thực sự đã góp phần phát triển được phẩm chất, năng lực cho HS.
Phải khẳng định là việc vận dụng lý thuyết PBST vào dạy VBVH qua phương pháp đóng vai là phù hợp và khả dụng. Và như trên đã thấy, đây là một biện pháp chứa nhiều ưu việt. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp vạn năng, bởi vậy, khi vận dụng lý PBST vào dạy học đọc hiểu VBVH, GV nên sử dụng các phương pháp, kĩ thuật khác như nêu vấn đề, kĩ thuật đặt câu hỏi và kết hợp với phương tiện dạy học.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1
Bùi Thanh Truyền (chủ biên) (2018) Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam Bộ, NXB Văn hóa- Văn nghệ.
2. 
Nguyễn Thị Tịnh Thy (2017), Rừng khô, Suối cạn, Biển độc và văn chương, NXB Khoa học xã hội.
3. 
 Bộ giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình Giáo dục phổ thông mới, NXB Giáo dục.
4. 
Nguyễn Thanh Hùng (2011), Kĩ năng đọc hiểu Văn, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
5. 
Nguyễn Thị Minh Phương, Phạm Thị Thúy, Lê Viết Chung (2019), Cẩm nang phương pháp sư phạm, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
6. 
Tạp chí Sông Hương, Chuyên đề Văn học sinh thái- Những góc nhìn, số 350, tr 26-29.



 

  Thanh Trần

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây