Chuyển đổi kỹ năng trong giáo dục gia đình: Nuôi và dạy con trẻ ở nông thôn hiện nay

Thứ năm - 08/04/2021 05:21 0

Minh Hải

Trẻ con là tương lai, là nguồn cội, là động lực cho sự phát triển của đất nước trong tương lai. Nuôi dạy trẻ con là một trong những vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước lâu dài. Đất nước muốn giàu mạnh thì cần có những thế hệ sau nối tiếp thật khỏe mạnh và tài giỏi. Đó cũng là lý do mà các đất nước quan tâm nhiều đến việc nuôi dạy trẻ từ lúc mới sinh ra cho đến lúc trưởng thành, xem đó là sức mạnh trong tương lai của đất nước. Ở nước ta, trong nhiều năm qua, việc nuôi dạy trẻ con trong các gia đình đang có nhiều thay đổi theo sự biến đổi của đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa. Những thay đổi này, có thể sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của đất nước trong tương lai. Dựa trên tư liệu từ một cuộc khảo sát về việc nuôi dạy trẻ trong các gia đình ở nông thôn hiện nay, bài viết này muốn góp phần trao đổi thêm về vấn đề quan trọng này.

Cuộc khảo sát của chúng tôi tập trung vào 35 cặp vợ chồng đang sinh sống tại hai xã Thanh Yên và Thanh Khai (huyện Thanh Chương), trong đó có 16 cặp vợ chồng làm nông nghiệp, 4 cặp vợ chồng là cán bộ viên chức và giáo viên, 7 cặp vợ chồng làm công nhân nhà máy gạch ngói, 3 cặp vợ chồng buôn bán nhỏ, 5 cặp vợ chồng có vợ hoặc chồng làm nông nghiệp và người còn lại làm công nhân hoặc nghề khác. Độ tuổi trung bình của các cặp vợ chồng được khảo sát là 29, người trẻ nhất là 18 tuổi và người lớn tuổi nhất là 41. Toàn bộ 35 cặp vợ chồng này đang nuôi dạy 67 trẻ em, dưới 10 tuổi, trong đó có 35 bé trai và 32 bé gái. Về độ tuổi, có 24 cháu từ dưới 3 tuổi, 27 cháu từ 3-6 tuổi, và 16 cháu từ 6-10 tuổi. Sở dĩ phân chia như vậy là vì các cháu dưới 3 tuổi chủ yếu sống với ông bà, bố mẹ, các cháu từ 3-6 tuổi là tuổi đi học mẫu giáo và 6-10 tuổi là thời gian học tiểu học. Trong khoảng thời gian này, các cháu vẫn sống trong sự chăm sóc, nuôi dạy của gia đình là chủ yếu. Cuộc khảo sát tập trung xoay quanh các vấn đề về nuôi và dạy trẻ trong các gia đình với vai trò trung tâm của bố và mẹ bên cạnh đó là của ông bà. Kết quả cuộc khảo sát này phần nào cho thấy một số vấn đề về nuôi dạy trẻ trong các gia đình ở nông thôn hiện nay.

  1. Việc chăm sóc trẻ em

Chăm sóc con cái là việc chung của cả gia đình, tuy nhiên, vai trò của từng thành viên cũng tùy theo độ tuổi của đứa bé. Để làm rõ hơn về vấn đề chăm sóc trẻ trong gia đình, cuộc khảo sát nhấn mạnh vào hai vấn đề là vai trò của các thành viên và phương thức, cách thức chăm sóc trẻ. Trong đó, chủ yếu liên quan đến các vấn đề căn bản như ai cho con ăn khi đói, ai dỗ con khi khóc, ai ru con ngủ, ai chăm lo nhiều nhất khi con ốm đau và khi con vệ sinh ra quần áo thì ai tắm và thay đồ cho con. Kết quả khảo sát cho thấy:

Trong việc cho con ăn: Trong một gia đình, người mẹ gắn liền nhiều nhất với việc cho con ăn, trong khi đó, chỉ có 22 ông bố thường xuyên tham gia vào việc cho con ăn (chiếm gần 63%). Khi các cặp vợ chồng sống chung với ông bà thì bà thường là người tham gia vào việc cho cháu ăn nhiều thứ hai sau mẹ. Tùy theo độ tuổi của bé mà việc ăn uống cũng do những người khác nhau tham gia. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, việc cho ăn chủ yếu là mẹ và bà, chỉ có 7 trong tổng số 35 ông bố thường xuyên tham gia vào việc cho con ăn trong giai đoạn này. Đối với trẻ từ 3-6 tuổi, chủ yếu các bé tự ăn, một số lười ăn thì được mẹ và ông bà chăm lo, tuy nhiên, các ông bố cũng tham gia nhiều hơn vào việc cho con ăn lúc này khi có 15 người tham gia (chiếm 43%). Từ khi bé đi học tiểu học thì bố mẹ chủ yếu kiểm soát thức ăn đối với bé. Đối với các cháu dưới 3 tuổi, việc cho con ăn là vấn đề khó khăn đối với các gia đình hiện nay. Phần lớn các cháu ở độ tuổi này đều lười ăn và bố mẹ, ông bà phải dùng nhiều phương pháp, biện pháp mới cho được các cháu ăn. Trong đó, có một số cách phổ biến: bế đi dạo chơi để cho bé ăn; bật điện thoại hoặc tivi cho xem quảng cáo hoặc xem hoạt hình để cho bé ăn; đưa các loại đồ chơi ra để dỗ bé ăn; và ép buộc bé ăn. Theo đó, hầu hết các bà mẹ đều cho rằng phải dùng nhiều cách khác nhau, tuy nhiên mức độ lựa chọn các hình thức có sự khác nhau. Có 23 bà mẹ (chiếm 66%) cho rằng cách tốt nhất cho con ăn là cho nó xem quảng cáo và hoạt hình trên điện thoại hay tivi, sau đó mới đến các phương pháp như đưa đi dạo hay mang đồ chơi ra chơi... Đối với các bà đã lớn tuổi trông cháu thì thường lựa chọn việc bế cháu đi dạo hoặc cho cháu đồ chơi để dỗ cháu ăn. Phần lớn các bà mẹ khi được hỏi việc gì gặp nhiều khó khăn nhất trong chăm sóc trẻ đều trả lời là chuyện cho con ăn. Như một phụ nữ 26 tuổi làm công nhân, là mẹ của hai bé 1 tuổi và 3 tuổi chia sẻ: “Làm đủ mọi cách mà nó không chịu ăn thì rất khó chịu và bực bội. Có lúc công việc nhiều, về muộn mà cho con ăn mất quá nhiều thời gian lại mệt. Loay hoay mãi không cho ăn hết bát cơm, cáu lắm những không dám to tiếng mắng con vì sợ mẹ chồng kêu đoảng. Có lần bực quá đập con khóc làm mẹ giận không nhìn mặt cả tuần...”.

Trong việc ru con ngủ: Bên cạnh ăn thì ngủ cũng là vấn đề lớn trong chăm sóc trẻ con. Ngày trước, hầu hết trẻ em được lớn lên trong tiếng ru êm đềm của bà, của mẹ. Nhưng hiện nay, những tiếng ru đang dần đi vào dĩ vãng, thay vào đó là bao nhiêu cách thức khác nhau để làm cho bé ngủ. Hầu hết các bà mẹ được khảo sát đều nhận mình không biết hát ru con, họa may chỉ hát vài câu không vần không nhạc gì đó cho con nghe. Trẻ con dưới 3 tuổi chủ yếu do mẹ và bà ru ngủ. Trong khi các bố mẹ thường lựa chọn việc sử dụng các đồ công nghệ như điện thoại, máy tính cho con xem các chương trình mà nó thích để nó ngủ. Có 24 bà mẹ lựa chọn sử dụng điện thoại là cho con ngủ dễ nhất (chiếm 69%) còn 11 bà mẹ cho rằng dành thời gian bế con dạo chơi một vòng nó sẽ ngủ tốt hơn (chiếm 31%). Bé từ 3-6 tuổi thì ông và bố cũng tham gia vào việc ru cháu ngủ. Ông và bà ru cháu ngủ bằng cách kể chuyện hay bế đi dạo chơi. Những việc như đọc truyện cổ tích, bật máy nghe hát ru... cũng được một số người lựa chọn để ru con ngủ nhưng không nhiều, chủ yếu là ở gia đình làm giáo viên, cán bộ (chiếm khoảng 20%)...

Trong việc chăm con lúc ốm đau: Khi được hỏi rằng lúc con bị ốm đau thì ai là người thức cùng con cả đêm. Tất cả các bà mẹ đều không ngủ trong những ngày con ốm, có 56% người bố chấp nhận cùng trông con khi ốm đau, còn lại đều để cho mẹ và bà chăm lo. Việc điều trị, chăm sóc lúc con ốm đau cũng có nhiều thay đổi. Ngày trước cha mẹ chủ yếu sử dụng đông y với các loại thuốc nam quanh nhà khi con cái bị đau ốm nhẹ. Chỉ khi bệnh nặng mới đưa đi bệnh viện. Hiện nay, trong các gia đình chủ yếu dựa vào tây y với các loại kháng sinh. Hầu hết bố mẹ đều không có tri thức về các loại thuốc nam, và các cây thuốc nam trước đây phổ biến cũng đang mất dần nên việc tìm kiếm hơi khó. Khi trẻ đau ốm, nếu ông bà chăm lo thì sẽ lựa chọn việc sử dụng đông y hoặc xoa các loại dầu... trước tiên. Còn với bố mẹ, có đến 91% lựa chọn biện pháp lên hiệu thuốc tây để lấy thuốc khi con ốm. Với các gia đình có điều kiện hơn thì đưa đi bệnh viện mà chưa rõ tình trạng của con là nặng hay chỉ là đau ốm nhẹ do môi trường tác động. Điều này khiến cho những đứa trẻ hay đau ốm có khả năng uống thuốc còn giỏi hơn cả ăn cơm.

Trong việc thay quần áo, bỉm cho con: Việc này tập trung chủ yếu vào giai đoạn bé dưới 3 tuổi, tức là chưa tự đi vệ sinh và thay đồ cho mình được. Lúc còn quá bé thì chủ yếu do mẹ và bà thay đồ cho trẻ vì cần phải nhẹ nhàng, cẩn thận hơn. Lớn hơn thì việc này gần như được nhiều người khác tham gia. Khi ai phát hiện ra cháu bẩn thì đi tắm và thay đồ. Trước đây, trẻ con sử dụng tã màn là chủ yếu thì phải giặt nhiều còn bây giờ sử dụng bỉm nên việc giặt không quá nhiều. Khi trong gia đình ở nhà đông đủ thì mẹ sẽ là người thường xuyên thay đồ cho con, sau đó đến bà rồi đến bố.

Trong việc dỗ dành con khi con khóc: Trẻ con gắn liền với tiếng khóc. Khi thiếu hụt một cái gì đó nó sẽ khóc và bố mẹ hay ông bà phải dỗ dành nó. Nhưng ứng xử với việc bé khóc lại khác nhau. Có 85% bà mẹ đều bảo khi con khóc là phải bế lên làm mọi cách để nó hết khóc, trong khi có 71% các ông bố cho rằng con nít thì khóc là chuyện bình thường, khóc chán rồi sẽ im, dỗ dành sẽ làm hư đứa bé thêm. Tất nhiên, việc này cũng tùy vào độ tuổi, dưới 3 tuổi thì được dỗ dành nhiều hơn nhưng trên 3 tuổi thì ít hơn, và nhiều trường hợp cho rằng nên sử dụng hình thức đánh roi với các cháu đã lớn mà vẫn hay khóc. Đối với các gia đình làm nghề buôn bán hay cán bộ viên chức thì khi con khóc thường lựa chọn việc đáp ứng yêu cầu của bé để nó hết khóc, trong khi các gia đình nông dân lại lựa chọn việc làm cho trẻ hết khóc bằng những thứ đang có, như các đồ chơi đã có hay dỗ dành, có khi là dọa nạt.

  1. Việc dạy dỗ trẻ em

Nếu chăm sóc trẻ em chủ yếu dành cho giai đoạn trẻ dưới 3 tuổi thì việc dạy dỗ lại tập trung cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Lúc đó, trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo, học viết học vẽ, học hát, học nói... Và về nhà, bố mẹ cũng phải dạy dỗ bé thêm. Đây cũng là giai đoạn trẻ làm quen với môi trường trường lớp và cô thầy giáo, tiếp xúc với các bạn bè, những người ngoài gia đình. Càng ngày, việc dạy dỗ trẻ càng trở nên quan trọng nhưng cũng phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều kỹ năng, tri thức và phương pháp hơn.

Vùng nông thôn nơi địa bàn khảo sát tương đối nghèo, sinh sống bằng nông nghiệp nên trình độ dân trí còn hạn chế. Cụ thể, trong số 35 cặp vợ chồng được khảo sát thì có 56% trình độ lớp 9 trở xuống, 23% trình độ lớp 12 và 21% trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong chương trình đào tạo và sách giáo khoa ở bậc tiểu học trong nhiều năm qua cũng khiến cho hệ thống tri thức của bố mẹ chưa hẳn đã dạy được cho con cái liên quan đến những bài học trên lớp. Hầu hết các gia đình được khảo sát đều cho rằng mình rất quan tâm đến việc học của con. Tuy nhiên, sự quan tâm đó tập trung vào việc nhắc nhở, rèn luyện tác phong hay đầu tư cho con cái ăn học hơn là việc trực tiếp dạy con học. Đối với trẻ từ 3-6 tuổi, sự quan tâm đến việc học tập của con cái chủ yếu là dạy cháu đọc số, học chữ cái và học viết, bên cạnh đó là học hát, học nói. Những công việc này thường người mẹ tham gia nhiều hơn người bố. Trong khi 100% người mẹ tham gia vào việc học của con trong giai đoạn này thì chỉ có 44% ông bố tham gia với vợ cùng dạy con. Trong đó, người mẹ thường dạy con viết, tô, vẽ và hát theo các mẫu có trong sách, còn bố quan tâm chủ yếu là việc nhắc con học tập hay xem qua các sản phẩm tô, vẽ, viết của con chứ không trực tiếp dạy và kiểm tra việc học của con. Đến khi trẻ bước vào đi học thì mối quan tâm của bố mẹ lại có sự thay đổi, mẹ vẫn là người quan tâm chính nhưng các ông bố cũng coi trọng việc học tập của con cái nhiều hơn. Có đến 79% ông bố dành sự quan tâm đến việc học của con. Tuy nhiên, để có thể dạy cho con trực tiếp trong việc học tập lúc này chỉ có khoảng 15% số ông bố bà mẹ có thể làm được. Còn lại chủ yếu quan tâm vào việc lên lịch cho con học, bắt con đến giờ thì học bài, và mua các sách vở, trang thiết bị hay đầu tư cho con học thêm. Còn việc dạy con học thật sự qua sách vở theo các bài học trên trường thì chỉ một số trường hợp là giáo viên mới có thể làm được. Như một ông bố tâm sự: “Mình không học được phải ở nhà làm nông vất vả nên cũng muốn đầu tư cho con học. Nhưng chương trình ngày trước mình học với bây giờ khác nhau quá, không thể dạy con học được. Chỉ có thể chịu khó chịu khổ cho con đi học, mua sắm đầy đủ đồ dùng và cho tiền đi học thêm, chứ không đủ sức dạy cho con như các gia đình cô giáo được”. Một góc độ khác, do việc dạy dỗ trẻ ngày càng cần nhiều tri thức, phương pháp và kỹ năng nên người dân ở nông thôn lại rất trọng thị đối với nghề giáo viên. Ở quê, việc một người đàn ông lấy được vợ làm giáo viên là một niềm vinh dự, không chỉ về nghề nghiệp ổn định mà còn có đủ khả năng dạy con cái. Đó là một mong muốn, mà nhiều khi người ta vẫn trêu đùa nhau rằng, “sứt môi lồi rốn gì cũng được, miễn lấy được vợ làm cô giáo là tốt rồi”. Và điều đó cũng thể hiện một thực trạng là các chương trình giáo dục tiểu học đang ngày càng cách xa các giá trị trong giáo dục gia đình, nó làm cho những người dân bình thường gặp nhiều khó khăn trong việc dạy dỗ con cái cho dù họ đã từng học hết phổ thông, thậm chí là tốt nghiệp đại học.

  1. Một số vấn đề đặt ra

Dù là một cuộc khảo sát xã hội học nhỏ lẻ với số lượng đối tượng tham gia còn hạn chế và không gian khảo sát còn hạn hẹp nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc nuôi dạy con trẻ trong gia đình ở nông thôn hiện nay. Cuộc khảo sát không chỉ cho chúng ta hình dung về một thực trạng giáo dục gia đình đối với nuôi dạy trẻ con mà còn đặt ra nhiều vấn đề quan trọng để chúng ta phải suy ngẫm và giải quyết trong cuộc sống hiện nay. Đó cũng là những cảnh báo cần thiết dành cho những người làm cha làm mẹ, những người quan tâm đến sự phát triển của con người, của giáo dục gia đình ở nông thôn hiện nay.

Quan hệ gia đình liên quan đến việc nuôi dạy trẻ: Dân gian có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” để nói về các mối quan hệ trong gia đình liên quan đến việc nuôi dạy con trẻ. Sự thay đổi trong hệ thống giá trị gia đình và trong các hình thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ khiến cho các mối quan hệ trong gia đình liên quan đến vấn đề này cũng thay đổi theo. Ở nông thôn, số lượng gia đình có 3 thế hệ gồm ông bà, bố mẹ và con cái cũng còn khá nhiều nhưng mức độ quan hệ không chặt chẽ, gay gắt như trước đây. Nhưng dù ở gia đình hạt nhân hay gia đình ba thế hệ thì các mối quan hệ gia đình liên quan đến nuôi dạy con trẻ vẫn luôn có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống gia đình. Chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ ngày càng cao với hàng loạt vật dụng phải mua sắm từ sữa, bỉm, áo quần, thuốc thang, đồ dùng học tập, đồ chơi... tạo ra một sức ép lớn đối với các gia đình ở nông thôn, nhất là đối với gia đình nông dân. Họ phải cật lực để làm nhiều việc khác nhau nhằm tìm kiếm thêm nguồn kinh tế để chăm con. Do vậy, số giờ bố mẹ dành để nuôi, dạy con ngày càng giảm đi. Những kinh nghiệm, kỹ năng nuôi dạy trẻ của các thế hệ khác nhau cũng khác nhau. Trong khi trẻ em ngày càng khó chăm sóc hơn trong việc cho ăn, cho ngủ cũng có thể gây ra những xung đột trong gia đình. Chỉ một chuyện cho trẻ ăn mà cũng gây ra xung đột khi mẹ không cho con ăn được nhiều thì bà nội sẽ chê là không biết chăm con. Hay khi con khóc vợ thì muốn bế dỗ dành con còn chồng thì nghĩ để kệ nó khóc mệt sẽ tự nín mà vợ chồng cũng có thể cãi nhau. Như một cô giáo dạy cấp 1 tâm sự: “Vợ chồng em ở riêng nhưng ông bà chiều cháu lắm. Ông bà quan tâm nhiều đến sức khỏe lẫn việc học của cháu. Mỗi lần bà xuống mà thấy cháu gầy hơn hay học kém hơn thì bà sẽ mắng em. Bà bảo làm cô giáo mà con mình không chăm được, không dạy được thì làm sao đi dạy con thiên hạ. Việc đó làm cho em luôn cảm thấy sợ mỗi khi bà xuống chơi, nhiều khi làm cho đời sống gia đình không được thoải mái”.

Vai trò của phụ nữ trong việc nuôi dạy trẻ: Qua cuộc khảo sát nhỏ này cũng cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của phụ nữ trong việc nuôi dạy con. Từ lúc sinh con cho đến khi học hết tiểu học, gần như mọi công tác nuôi dạy con đều gắn liền với người mẹ. Họ tham gia vào hết các công việc, ở các mức độ khác nhau. Dù là giáo viên, cán bộ viên chức hay nông dân thì tình yêu thương và trách nhiệm của người mẹ với con là không thể so sánh. Ở nông thôn, người đàn ông gắn liền với việc làm ăn kinh tế, lao động nặng nhọc để nuôi gia đình, nhưng người phụ nữ là người sắp xếp cuộc sống gia đình nên người đời vẫn gọi là “của chồng, công vợ”. Nhưng trong việc nuôi dạy trẻ thì người vợ là người trực tiếp hơn, từ chuyện lo cho con ăn ngủ hàng ngày, chăm sóc lúc ốm đau đến chuyện rèn dạy con học tập. Những người khác trong gia đình cũng tham gia và giữ vai trò quan trọng khác nhưng chưa thể sánh được với vai trò của người mẹ. Thế nên nói đi cũng phải nói lại, “con hư tại mẹ” nhưng “con thành người thì cũng do mồ hôi, nước mắt của mẹ”.

Lạm dụng trang thiết bị công nghệ đối với việc nuôi dạy trẻ con: Những phân tích ở trên cho thấy các ông bố bà mẹ trẻ đang lạm dụng thiết bị công nghệ vào việc nuôi dạy con. Khi cho con ăn, khi dỗ con khóc hay khi ru con ngủ đều sử dụng điện thoại để xem các chương trình như quảng cáo, hoạt hình, ca nhạc, hay hát ru. Nó tạo ra những phản xạ có điều kiện không tốt đối với trẻ con như khi nghe đúng bản nhạc thì mới chịu ăn cơm, hay khi xem đúng chương trình thì mới đi ngủ.... Một cô giáo dạy mầm non đã tâm sự rằng: “Ở nhà bố mẹ cứ lạm dụng điện thoại, máy tính để mở các chương trình giải trí khi cho con nhỏ ăn uống hay ngủ. Nên khi đến lớp, các cô giáo gặp nhiều khó khăn để thực hiện các việc này. Các cô không thể sử dụng các trang thiết bị công nghệ như bố mẹ được. Hầu hết các bé trong giai đoạn đầu đến lớp đều không chịu ăn uống vì không không giống như bố mẹ ở nhà”. Mặt khác, bố mẹ lạm dụng công nghệ để thay sức lao động của mình nhưng cũng làm cho tình cảm bố con, mẹ con thiếu khăng khít hơn, và về lâu dài có thể đẩy con vào nhiều tình trạng không tốt cho sức khỏe và tinh thần. Theo các khảo sát của các nhà tâm lý học thì việc lạm dụng những thiết bị công nghệ trong việc nuôi dạy con như vậy sẽ làm cho trẻ dễ mắc nhiều bệnh, trong đó đặc biệt là bệnh trầm cảm, tự kỷ ở trẻ con. Từ khi đang nhỏ cho đến khi học hết tiểu học là giai đoạn trẻ con hình thành các phản ứng sinh học, các nhịp sinh học nên lạm dụng trang thiết bị công nghệ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của con trẻ mà còn dễ tạo ra những thói quen xấu cho con trẻ. Vậy nên làm sao để hạn chế sự lạm dụng thiết bị công nghệ vào việc nuôi dạy con trẻ trong gia đình là vấn đề quan trọng cần phải được thảo luận và trao đổi nghiêm túc để có những điều chỉnh hợp lý.

Quan hệ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình trong việc nuôi dạy trẻ: Một thực trạng khác ở nông thôn là những người bố, người mẹ (đặc biệt là nông dân) không đủ tri thức và kỹ năng để dạy con khi đi học tiểu học như hiện nay. Cần phải đặt câu hỏi là liệu chúng ta đang dạy cho trẻ con những tri thức quá cao xa, hay là trình độ dân trí ở nông thôn quá thấp so với mức chung của cả nước. Theo một lẽ thường, dù không phải tất cả nhưng những kiến thức cơ bản nhất thì những người bố mẹ đã học hết phổ thông có thể dạy cho con cái được. Đàng này hầu hết các ông bố bà mẹ đều bất lực trong việc dạy con học tập theo chương trình cấp tiểu học. Cái họ làm được là dạy cho con một số phép tính cơ bản và những chữ cái, chữ số. Còn quá nhiều điều trong sách giáo khoa mà người làm cha, làm mẹ không biết dạy thế nào? Đây thực sự là một điều cần suy nghĩ trong quá trình hoạch định giáo dục.

Nguy cơ nhờn kháng sinh đối với trẻ do bố mẹ quá lạm dụng các loại kháng sinh: Cuộc khảo sát về nuôi dạy trẻ trên đây cũng thể hiện được điều đó khi các cặp vở chồng trẻ tỏ ra quá chủ quan trong việc chăm sóc con lúc đau ốm do lạm dụng vào kháng sinh. Dù chỉ là sốt nhẹ, cảm cúm hay có bỏ ăn thì bố mẹ nghĩ ngay đến thuốc, đến bác sĩ. Trong khi cơ thể con người, nhất là cơ thể của trẻ em cần một quá trình để thích nghi với môi trường, với cuộc sống. Quá lạm dụng vào kháng sinh làm cho cơ thể của trẻ thêm yếu ớt, thiếu các chất kháng thể và sức đề kháng kém trước sự thay đổi nhanh chóng của môi trường. Chăm sóc con trẻ bằng sự lạm dụng kháng sinh cũng đồng nghĩa làm cho nó yếu hơn. Và cái giá phải trả sẽ vô cùng lớn cho vấn đề này. Khi cơ thể con người bị các vi rút, vi khuẩn lạ xâm nhập, các bệnh tật nảy sinh hay đe dọa thì cơ thể con người sẽ có cơ chế đề kháng. Với những bệnh lạ thì cơ thể cần có một khoảng thời gian để tạo ra sức đề kháng chống lại bệnh tật. Kháng sinh vốn cần thiết để bổ sung cho cơ thể chống chọi với bệnh tật khi mà sức đề kháng không đủ để thắng lại mầm bệnh. Tuy nhiên, do con người hiện nay quá lạm dụng kháng sinh, mầm bệnh vừa xuất hiện đã sử dụng các loại kháng sinh khiến cho cơ thể kém khả năng đề kháng. Đặc biệt là càng ngày, nhiều loại kháng sinh liều mạnh được sản xuất thì việc lạm dụng sẽ trở nên khó lường hơn. Một khi quá lạm dụng kháng sinh, mặc dù chữa khỏi được bệnh tức thì, nhưng về lâu dài sẽ làm cho cơ thể bị hủy hoại, mất sức đề kháng, và khi kháng sinh không còn hiệu quả thì sẽ trở nên nguy cấp trước sự đe dọa của bệnh tật. Nhờn kháng sinh là một vấn nạn được nhiều nhà y học quan tâm và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo nhiều nước về vấn đề này. Thực tế, mỗi năm các quốc gia phải chi từ 04-16% GDP để đối phó với tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Việt Nam được WHO xếp vào top những quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Theo kết quả phân tích của Mạng lưới giám sát châu Á về sự kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh thường gặp (ANSORP) thì tỷ lệ kháng Penicillin ở Việt Nam hiện cao nhất châu Á với mức 71,4%, tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh Erythromycin (một loại kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn) cũng ở mức báo động nhất châu Á với 92,1%... Nhờn kháng sinh được hiểu là tình trạng khi mà cơ thể không còn tác dụng hay giảm tác dụng với các loại kháng sinh trong khi các cơ chế đề kháng bị giảm sút do sử dụng quá nhiều kháng sinh. Đó cũng là lúc mà cơ thể yếu ớt nhất, dễ bị mắc các loại bệnh nhất. Nhờn kháng sinh, đặc biệt ở trẻ em sẽ là một vấn nạn trong tương lai, khi mà các cặp vợ chồng trẻ đặt niềm tin tuyệt đối vào các loại kháng sinh, làm hạn chế sự phát triển sức đề kháng của trẻ. Nó được dự báo sẽ làm cho một thế hệ bị thoái hóa, yếu kém trước mọi loại bệnh tật. Và một khi không kiểm soát, hạn chế được vấn nạn này thì “con người có thể trở về thời đại tiền kháng sinh do các loại kháng sinh bị vô hiệu hóa” như WHO cảnh báo. Để hạn chế vấn nạn nhờn kh&aacut

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây