Dân chủ sinh thái

Thứ năm - 08/04/2021 05:21 0

BÙI HÀO

Trong mấy thập kỷ gần đây, vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái trở thành mối quan tâm của hầu hết các quốc gia, cộng đồng, và là nội dung quan trọng bậc nhất, được đề cập đến nhiều nhất của các tổ chức quốc tế, các hội nghị liên quan quốc tế. Điều đó cũng phản ánh đúng hiện thực xã hội khi mà môi trường sinh thái đang bị suy thoái nghiêm trọng, đe doạ tính mạng, tài sản của hàng tỷ con người trên Trái Đất, và bảo vệ môi trường sinh thái trở thành vấn đề sống còn của nhân loại nói chung và các quốc gia nói riêng. Ở Việt Nam, môi trường sinh thái được quan tâm nhiều trong khoảng thời gian gần đây khi mà tác động của suy thoái môi trường đến cuộc sống con người ngày một mạnh mẽ hơn. Những trận hạn hán rồi lũ lụt, sạt lở, ô nhiễm không khí, sự bức tử các dòng sông đến vấn đề xây dựng thuỷ điện ồ ạt…. Các chương trình về bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái được đưa ra từ nhiều cấp độ khác nhau nhưng nhìn chung vẫn chưa thể kiểm soát được sự suy thoái môi trường sinh thái. Càng ngày, mối quan tâm đến môi trường sinh thái được mở rộng ra và nhiều nhóm người, nhiều cộng đồng đã bắt đầu hành động để chung tay bảo vệ và cải thiện môi trường. Bên cạnh những đề án, chính sách từ trên xuống của nhà nước thì có hàng loạt các hoạt động bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái của các nhóm xã hội từ dưới lên. Và những hoạt động này tỏ ra có nhiều hiệu quả thiết thực. Nó gợi cho những người quan tâm hiểu rằng cần phải có một sự dân chủ sinh thái để những hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái có hiệu quả hơn.

Và khái niệm dân chủ sinh thái được hiểu là phải để cho người dân tham gia nhiều hơn với tư cách là chủ nhân đích thực trong các vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái. Nói cách khác, là những nỗ lực đưa người dân trở lại vai trò quyết định các vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái của họ. Dân chủ sinh thái không phải là một trường phái lý thuyết trong nghiên cứu sinh thái, cũng không hẳn là chiến lược, chính sách của nhà nước, mà là những hoạt động cụ thể, nhưng phong trào cụ thể hướng đến cải thiện, bảo vệ sinh thái và phương pháp xây dựng lối sống sinh thái hợp lý mà trọng tâm là lấy người dân bản địa làm chủ và đi theo con đường từ dưới lên. Đây cũng là hai dấu hiệu quan trọng trong dân chủ sinh thái. Để hiểu hơn về dân chủ sinh thái, chúng ta cần đi sâu vào một số vấn đề quan trọng sau:

Nhận thức về dân chủ sinh thái: Hiểu và hành động vì mình

Cái đầu tiên dân chủ sinh thái hướng đến là nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân về vấn đề sinh thái. Bắt đầu từ việc nhận thức rõ ràng rằng mỗi một con người chỉ là một phần nhỏ của sinh thái. Con người không đứng ngoài sinh thái, càng không đứng trên sinh thái. Chính vì con người là một phần nhỏ của sinh thái nên sự biến đổi của sinh thái đều ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Và ngược lại, nhận thức và hành động của mỗi con người đều có tác động đến sinh thái. Điều này cho thấy, con người luôn cần thiết nhận thức về mình với sinh thái, về trách nhiệm của mình với sinh thái với tư cách là một phần nhỏ của nó. Qua nhận thức sẽ tự xây dựng các chương trình hành động hay ít nhất là những hành động hàng ngày nhằm bảo vệ sinh thái.

Nhận thức về dân chủ sinh thái đặt trọng tâm vào một số vấn đề cốt lõi: Thứ nhất, sinh thái là môi trường sống của con người, là yếu tố cơ bản để con người sinh sống và phát triển nên bảo vệ môi trường sinh thái là bảo vệ sự sống. Thứ hai, con người chỉ là một phẩn nhỏ trong môi trường sinh thái. Thứ ba, con người đã và đang tàn phá môi trường sinh thái vượt qua giới hạn chịu đựng của Trái Đất. Thứ tư, con người đang phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề, thậm chí đối diện với sự huỷ diệt vì đã tàn phá môi trường sinh thái. Thứ năm, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái là trách nhiệm của con người, và cũng là để mở rộng giới hạn sinh tồn của chính con người. Thứ sáu, mỗi một hành vi, dù là rất nhỏ của con người cũng ảnh hưởng đến sinh thái nên bảo vệ môi trường sinh thái là điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp. Và cuối cùng, dân chủ sinh thái là chống lại sự độc quyền về sinh thái của mọi tổ chức, quốc gia…

Hành động cá nhân hay hành vi cá nhân lâu nay vẫn chưa được quan tâm nhiều trong các chiến lược bảo vệ và cải thiện sinh thái. Vì sinh thái trước đây được quan niệm là những môi trường rộng lớn, là những vấn đề vĩ mô. Trong khi các hành vi cá nhân thì mức độ ảnh hưởng khá nhỏ hẹp và sự tương phản đó làm cho người ta hướng các chương trình sinh thái hướng đến các tổ chức, các cộng đồng. Một điều thật phi logic khi mà cộng đồng hay tổ chức nào cũng phải có những cá nhân trong đó. Nhận thức và hành vi của các cá nhân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ sinh thái. Nó thể hiện ở cả hai phương diện là hành vi của bản thân cũng như giám sát và tương tác đến hành vi của người khác. Chúng ta có thể bắt đầu từ những câu chuyện nhỏ lẻ trong cuộc sống hàng ngày để thảo luận về vai trò của nhận thức và hành vi cá nhân đối với môi trường sinh thái.

Câu chuyện bắt đầu về việc sử dụng nước. Anh chị tôi có một cô cháu gái học lớp 2 rất nhanh nhẹn và có phần tinh quái hơn lứa tuổi. Chỉ mỗi điều nó có một thói quen là sạch sẽ đến mức thái quá. Mỗi ngày nó đi rửa tay chân đến hàng chục lần. Mà cứ phải xả nước vào chậu to để rửa. Tắm thì khỏi nói, phải xả vào bồn và ngâm cả tiếng. Cứ thế mà mỗi tháng gia đình tiêu tốn mấy chục khối nước. Bố mẹ có nói thế nào thì nó cũng bảo nó sạch sẽ thì có gì sai đâu. Rồi cô bé được cùng bạn bè trên lớp dự một khoá tập huấn của một tổ chức phát triển cộng đồng liên quan đến bảo vệ môi trường. Các bạn nhỏ được xem một clip về việc thiếu nước ở châu Phi, về những đứa trẻ cùng trang lứa không có nước để uống. Rồi đến chuyện hạn hán ở miền Tây Nam Bộ, người ta phải chở những thùng nước đi một quãng đường xa để tưới cho cây trồng…. Rồi các hướng dân viên cũng giảng giải cho các bạn nhỏ về giá trị của nước, việc tiết kiệm nước…. Thế là từ đó về nhà cô bé thay đổi suy nghĩ. Vẫn sạch sẽ, chăm tắm rửa nhưng không còn phí phạm nước nữa. Thậm chí thấy bố rửa tay rửa mặt trực tiếp qua vòi nước thì cô bé còn phê bình bảo bố phải cho nước vào chậu để rửa rồi lấy nước đó ra tưới cây thì mới tiết kiệm…. Hỏi kỹ mới biết cô bé thấy thương cho những bạn không có nước để uống và sợ mình không tiết kiệm thì đến lúc nào đó sẽ không có nước để uống và tắm rửa! Điều đó cho thấy, khi làm cho một người nhận thức được vấn đề thì họ sẽ thay đổi hành vi một cách triệt để hơn là tác động bên ngoài vào hành vi đó.

Hay hiện nay, người ta đang nói nhiều về vấn nạn rác thải sinh hoạt ở nông thôn. Hầu hết các bãi rác tự phát đều nằm giữa phạm vi ranh giới các thôn xóm và người dân cứ mang rác ra vứt vào đó mà không quan tâm đến hệ quả. Rồi vứt rác dọc đường vô tội vạ. Mà rác thải sinh hoạt ở nông thôn ngày càng nhiều thể loại và mức độ, tính chất nguy hiểm đối với môi trường cũng tăng lên. Điều đáng lo ngại là nhận thức về môi trường của người dân lại bị che lấp bởi tinh ích kỷ, hẹp hòi của mỗi người. Ai cũng nghĩ cứ vứt rác ra xa nhà mình là được. Còn các tác hại thì họ ít khi quan tâm. Một người thấy người khác vứt rác ra đường mà không ý kiến gì vì đường của xã hội chứ không phải của nhà mình nên nói làm gì cho mất lòng. Nhưng nếu có người vứt rác gần nhà mà gây mùi hôi thối vào nhà thì họ lại ý kiến dữ dội ngay. Trong khi đó, tác hại của rác thải lên môi trường nhiều hơn, rộng lớn hơn những thứ mà người dân đã nhận thấy. Nó không chỉ là mùi hôi hay cản trở, mà còn là nguồn gốc, mầm móng bệnh tật và lâu dài là suy thoái sinh thái, đe doạ cuộc sống của mọi con người xung quanh. Phải khi nhận thức được đúng vấn đề thì con người sẽ thay đổi hành vi của mình và góp phần vào thay đổi hành vi cộng đồng.

Nhận thức và nâng cao nhận thức về sinh thái là vấn đề phức tạp. Thường thì kênh tốt nhất phải là đi từ giáo dục, tích hợp các chương trình về bảo vệ sinh thái vào chương trình giáo dục để tạo ra ý thức bảo vệ sinh thái cho con người từ khi còn nhỏ và xem đó là một vấn đề quan trọng. Bên cạnh đó cũng cần nhiều cách tiếp cận khác để phát triển dân chủ sinh thái. Mỗi nhóm người khác nhau thì nhận thức về sinh thái cũng khác nhau. Nhưng nếu làm tốt để trở thành một hệ thống thì việc nâng cao nhận thức sinh thái sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ khi người lớn nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình thì cần có hành động gương mẫu để giáo dục cho con trẻ. Còn khi người lớn vẫn chưa nhận thức được thì khó để giáo dục con trẻ, không những vậy có ảnh hưởng xấu đến các hành vi của con trẻ.

Hoạt động dân chủ sinh thái: Hành động vì chúng ta

Từ những năm 1970, nhân loại bắt đầu hành động về môi trường sinh thái khi mà những quan điểm về phát triển bền vững ngày càng được quan tâm. Bắt đầu từ những cuộc hội nghị của Liên Hợp Quốc đến mối quan tâm của các khu vực cũng như các quốc gia. Con người quan tâm đến vấn đề sinh thái trong thời đại mà khoa học công nghệ ngày càng phát triển như vũ bão. Và song song với đó là sự phát triển kinh tế của con người cũng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ khác. Sự theo đuổi các mục tiêu kinh tế để đẩy mạnh tăng trưởng giúp các nền kinh tế lớn mạnh hơn nhưng cũng đồng nghĩa với việc khai thác các nguồn tài nguyên nhanh chóng hơn và tác động đến môi trường sinh thái ngày càng nặng nề hơn. Và những điều đó cũng đặt con người vào tình thế không chỉ nói mà phải hành động vì cuộc sống chung của nhân loại.

Ban đầu là những cam kết quốc tế, rồi đến các chương trình, chiến lược phát triển bền vững của các quốc gia. Những diễn ngôn phát triển bền vững không ngừng được đặt ra và trở nên phổ biến. Nhưng quả thật, suy thoái sinh thái cũng như ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Những nỗ lực của các tổ chức quốc tế hay các quốc gia, dù có giá trị nhất định nhưng chưa đủ để thay đổi tình thế. Càng lúc, con người càng phải nhận thức và hành động cụ thể hơn, yêu cầu mọi người cùng tham gia vào việc hành động để bảo vệ sinh thái. Và dân chủ sinh thái xuất hiện cũng như lan rộng nhằm hướng các hoạt động của mỗi cá nhân lại vì chính cuộc sống của mình.

Nếu các chương trình bảo vệ sinh thái của nhà nước thường đi theo con đường trên xuống, thực hiện thông qua hệ thống chính trị và bộ máy quyền lực nhà nước quản lý, thì dân chủ sinh thái hướng đến các hoạt động từ dưới lên, do các tầng lớp, các nhóm người khác nhau cùng hành động. Thường thì dân chủ sinh thái là các chương trình, các phong trào nhỏ, do các nhóm hoặc các tổ chức đứng ra phát động và đánh giá lại phong trào với những thông điệp nhất định. Trong những năm gần đây, nhưng phong trào liên quan đến dân chủ sinh thái như sống xanh, tiêu dùng sạch, ngôi nhà xanh, trường học xanh, ngày chủ nhật xanh, giờ thế giới…. với những thông điệp cụ thể được đưa ra nhằm vào những đối tượng cụ thể. Nhưng phong trào sinh thái từ dưới lên, dù mức độ tác động nhỏ hơn nhưng nhiều khi tính hiệu quả lại cao hơn, đi trực tiếp vào hành động của mỗi người trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Điểm chung của các phong trào dân chủ sinh thái là tổ chức trong phạm vi nhỏ, hướng đến đối tượng rõ ràng, có mục tiêu cụ thể và có các phương pháp để đánh giá hiệu quả của phong trào. Vậy nên thường các phong trào dân chủ sinh thái diễn ra trong thời gian ngắn và nỗ lực tạo ra sự thay đổi về nhận thức và hành động của những con người trong cuộc sống thường ngày. Đó là sự thay đổi về thói quen, về thái độ và hành động gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái. Ví dụ như thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, kêu gọi mọi người sử dụng những vật liệu sạch, ít ảnh hưởng môi trường hơn, hạn chế hút thuốc lá, tiết kiệm các nguồn tài nguyên hay năng lượng như nước, điện, xăng,….

Hoạt động dân chủ sinh thái thướng diễn ra từ các khoá tập huấn nhỏ đến việc phát động các phong trào hành động vì sinh thái. Đây là những hoạt động được xem là hành động cho chúng ta hay hành động cho cộng đồng mà ở đó mỗi con người đều có trách nhiệm tham gia và hành động vì chính bản thân mình và những người xung quanh. Ban đầu là những hoạt động làm nâng cao nhận thức về bảo vệ sinh thái, sau đó là các hoạt động nhằm giám sát, tương tác cộng đồng để bảo vệ lối sống sinh thái. Xin phân tích một ví dụ về sự tương tác cộng đồng trong việc giữ gìn lối sống sinh thái: Người ta đã làm một thí nghiệm xã hội nhỏ khi bố trí trong một căn phòng có 5 người đàn ông, trong đó có một người hút thuốc lá và bốn người còn lại không hút thuốc. Trường hợp đầu tiên chỉ có một người lên tiếng phản đối hành vi hút thuốc và tỷ lệ thành công chỉ 10%. Trường hợp thứ hai là hai người trong phòng lên tiếng phản đối và tỷ lệ thành công tăng lên 35%. Trường hợp thứ ba là có ba người trong phòng lên tiếng phản đối và tỷ lệ thành công lên đến 70%. Và cuối cùng, khi cả bốn người không hút thuốc cùng lên tiếng phản đối thì tỷ lệ lên đến 100%, người đó hoặc phải tắt điếu thuốc hoặc phải bỏ ra phòng khác. Đây là một thí nghiệm đơn giản được một nhóm nghiên cứu lặp đi lặp lại nhiều lần để đánh giá mức độ ảnh hưởng của ý kiến trái chiều trong sự tương tác theo nhóm. Đó là tâm lý cộng đồng, là sức mạnh đến từ sự tương tác của nhiều người cùng chung một mục tiêu. Trong các trường hợp khác cũng vậy. Khi một người có thói quen vứt rác thải ra đường nhưng không ai nói gì thì hành vi đó vẫn tiếp diễn. Khi một vài người ý kiến thì người ta có thể e ngại nhưng chưa chắc đã thay đổi. Còn nếu nhiều người xung quanh cùng ý kiến phê phán gay gắt thì người đó phải thay đổi hành vi đó.

Giá trị của dân chủ sinh thái: Hành động vì tương lai

Sự tương tác giữa các thành viên trong một nhóm hay một cộng đồng là yếu tố quan trọng trong các phong trào dân chủ sinh thái. Bởi sức ép từ cộng đồng sẽ làm cho người ta phải hạn chế và thay đổi những hành vi ảnh hưởng đến lối sống sinh thái. Nhưng để nhiều người cùng hành động nhằm tạo ra sự tương tác cộng đồng để bảo vệ sinh thái thì cần phải làm cho người ta hiểu về giá trị của dân chủ sinh thái, hiểu về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường và xây dựng lối sống sinh thái.

Như đã phân tích, dân chủ sinh thái là con đường mỗi con người nhận thức và hành động vì cuộc sống của chính mình cũng như vì sự sinh tồn và phát triển chung của cộng đồng, của nhân loại. Vậy nên, giá trị lớn nhất của dân chủ sinh thái chính là hành động vì tương lai. Bao gồm cả tương lai gần là cuộc sống trước mắt và tương lai là sự tồn vong của nhân loại. Nhưng làm sao để truyền đạt những giá trị lớn như vậy thông qua việc thay đổi nhận thức và hành vi cá nhân của những con người cụ thể? Đó là một điều khó khăn trong sự phát triển của dân chủ sinh thái. Và chìa khoá để giải quyết vấn đề khó khăn đó chính là quá trình xây dựng và thực hiện dân chủ sinh thái theo con đường dưới lên, hành động nhỏ, phạm vi nhỏ, mục tiêu nhỏ nhưng hướng đến giá trị lớn từ sự cộng hưởng qua các tương tác xã hội giữa các thành viên, các nhóm, các cộng đồng với nhau. Khi mọi người nhận thức và cùng hành động vì những mục tiêu chung thì giá trị của các hành động đó được khuých tán, cộng hưởng lên cao hơn và ra diện rộng hơn nhiều so với điểm xuất phát của nó. Cái khó chính là làm cho con người hiểu được các giá trị của dân chủ sinh thái để thay đổi hành vi của chính mình. Và điều này cần thiết phải có các nhà hoạt động dân chủ, là những người tuyên truyền về quan điểm của lối sống sinh thái cũng như các giá trị lối sống sinh thái mang lại cho con người, qua đó hướng con người thay đổi nhận thức và hành động vì tương lai. Sau khi làm cho những người tham gia hiểu thì phải để mọi người cùng tự tham gia đặt ra các mục tiêu cho các hoạt động của mình và tự lựa chọn don đường hành động để đạt được mục tiêu đó. Việc thực hiện theo con đường từ dưới lên là đặt những con người chủ thể, vốn trước nay chỉ quan tâm đến cuộc sống của mình thành những người làm chủ các hoạt động dân chủ sinh thái. Ở đó, họ cùng nhau đặt ra mục tiêu, lựa chọn con đường và cùng nhau hành động hướng đến tương lai.

Và một giá trị quan trọng của dân chủ sinh thái chính là chống lại độc quyền sinh thái. Không ít các quốc gia trên thế giới đã có những chính sách độc quyền một số tài nguyên hay các hoạt động liên quan đến việc độc quyền tài nguyên mà gây ảnh hưởng mạnh đến môi trường sinh thái. Chẳng hạn chính phủ quy hoạch các nhà máy, xí nghiệp lớn có ảnh hưởng đến cả một vùng nhưng người dân không được tham gia vào việc có nên thực hiện hay không. Những lợi ích từ những hoạt động này thì những người dân địa phương nhận được không nhiều nhưng tác động tiêu cực, nhất là về sinh thái thì lại vô cùng rộng lớn. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều này qua các chính sách xây dựng nhà máy thuỷ điện ở miền núi hay khai thác các hầm mỏ lớn. Mấy năm gần đây, lũ lụt hoàng hành, rồi hạn hán, những người chịu thiệt thòi nhất từ của cải đến tính mạng chủ yếu là những người dân địa phương, nhưng nơi có nhà máy thuỷ điện, ở ven dòng chảy của sông suối. Bởi thuỷ điện đã làm đứt gãy hệ sinh thái trước đây của họ. Hay việc khai khoáng cũng vậy, khi triệu tấn khoảng sản được lấy lên khỏi lòng đât và di chuyển đi, đem lại một khoảng lợi nhuận về kinh tế rất lớn nhưng cũng để lại cho người dân xung quanh vô vàn những vấn đề về sinh thái, trong đó có ô nhiễm môi trường mà người dân ở đó là người hứng chịu chính. Quan điểm của dân chủ sinh thái, không chỉ kêu gọi người dân hành động để bảo vệ sinh thái, mà còn muốn chống lại độc quyền và đòi lại quyền tham gia quyết định đến các vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái của họ. Nếu người dân được quyền tham gia và giám sát các hoạt động liên quan đến sinh thái, thì họ cũng có trách nhiệm để bảo vệ môi trường sinh thái bởi đó là bảo vệ cuộc sống, là bảo vệ tương lai của mình.

Nói tóm lại, dân chủ sinh thái là hệ thống quan điểm gắn với những hoạt động nhằm thay đổi nhận thức và hành động về sinh thái của con người theo con đường từ dưới lên. Đây là con đường tập trung vào việc thay đổi nhận thức và hành vi của con người cá nhân, qua đó tạo nên những hành động cộng đồng để xây dựng lối sống sinh thái. Dân chủ sinh thái hướng đến việc tạo ra những hoạt động cộng đồng và sự cộng hưởng để nhân rộng ảnh hưởng của các hoạt động này lên nhằm tạo ra sức lan toả của lối sống sinh thái. Và dân chủ sinh thái cũng là một con đường để chống lại độc quyền sinh thái. Vậy nên, dân chủ sinh thái phát triển gằn trách nhiệm cùng như quyền lợi của mỗi con người với môi trường sinh thái của mình. Nó không tách rời quan điểm của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững, cũng không đi ngược lại các chiến lược phát triển bền vững của các quốc gia, mà là sự hỗ trợ, sự bổ sung các phương pháp, cách thức hoạt động sinh thái sao cho hiệu quả hơn, nhằm xây dựng các lối sống sinh thái lành mạnh, góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của các cộng đồng, các quốc gia cùng như toàn thể nhân loại./.

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây