Hướng đến một chương trình trải nghiệm thị trường cho người dân tộc thiểu số ở Nghệ An

Thứ năm - 25/03/2021 05:21 0

Bùi Hào

Trong nhiều năm nay, các nhà hoạch định chính sách lẫn các nhà nghiên cứu về các dân tộc thiểu số ở miền núi đều quan tâm đến một vấn đề quan trọng: Đồng bào dân tộc thiểu số đang cần những gì để phát triển bền vững và nhanh chóng hơn? Thực tế thì đồng bào cần rất nhiều thứ như cơ sở hạ tầng, vốn, khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý..., và nhiều nhà nghiên cứu, từ các góc nhìn khác nhau để đặt ra những vấn đề khác nhau cho quá trình phát triển. Để có thêm câu trả lời cho vấn đề trên, bài viết này xoay quanh bàn luận về vai trò của trải nghiệm thị trường trong quá trình phát triển kinh tế và bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người ở miền núi hiện nay.

Upload

Thị trường hóa văn hóa và văn hóa hóa thị trường

Trong vài thập niên qua, kinh tế thị trường hình thành và phát triển ở miền núi đã tác động mạnh mẽ đến đời sống của các dân tộc thiểu số. Trước hết, nó làm bản sắc văn hóa tộc người thay đổi theo hướng thị trường, tức chuyển từ hệ giá trị cộng đồng nội tại sang hệ giá trị hàng hóa, từ phục vụ cộng đồng sang phục vụ thị hiếu và nhu cầu của khách hàng. Đây là quá trình thị trường hóa văn hóa. Nhưng mặt khác, thị trường cũng tạo điều kiện cho người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Trong quá trình tham gia thị trường, người dân sẽ tìm kiếm cơ hội để phát triển bản thân, phát triển cộng đồng, đưa các giá trị văn hóa của mình ra thị trường để quay lại phục vụ chính cộng đồng mình bằng những lợi ích chính đáng mà nó thu lại qua các chu trình luân chuyển. Đây gọi là quá trình văn hóa hóa thị trường. Nếu quá trình thị trường hóa văn hóa diễn ra khách quan, mang tính ngoại tại và quyết định bởi yếu tố bên ngoài, thì quá trình văn hóa hóa thị trường lại mang tính nội tại, khó khăn hơn và chịu quy định bởi yếu tố con người. Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương kinh tế thị trường kém phát triển nhưng bản sắc văn hóa tộc người lại mai một và mất mát nhanh chóng, trong khi đó, có một số địa phương kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ nhưng bản sắc văn hóa vẫn giữ được và trở thành một nguồn lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống con người. Một trong những nhân tố quan trọng làm nên điều đó chính là năng lực tái tạo bản sắc văn hóa, chủ động biến đổi nền văn hóa sao cho phù hợp với thị trường và vẫn giữ được giá trị cốt lõi, nền tảng của nền văn hóa. Nhưng vấn đề đặt ra là cái gì đã tạo nên năng lực tái tạo truyền thống văn hóa để phát triển và làm nên sự khác biệt giữa các vùng đó?

Vai trò của trải nghiệm thị trường đối với phát triển kinh tế và bảo tồn bản sắc văn hóa

Một tình trạng khá phổ biến ở miền núi Nghệ An là trong khi kinh tế phát triển chậm, chưa ổn định nhưng bản sắc văn hóa tộc người lại bị mai một, mất mát rất nhanh chóng. Có nhiều nguyên nhân trong đó có sự đứt gãy về hệ giá trị giữa các thế hệ do sự thay đổi về mặt trải nghiệm và sự hững hụt về mặt tâm thức. Trong khi thế hệ lớn tuổi, được trải nghiệm chủ yếu trong nền văn hóa truyền thống nên họ khát khao bảo vệ các giá trị truyền thống. Trong kinh tế thị trường họ không được trải nghiệm và trở nên lúng túng cho con đường bảo vệ giá trị truyền thống của mình. Còn lớp trẻ không được trải nghiệm nhiều trong nền văn hóa truyền thống và trải nghiệm thị trường cũng hạn chế nên trở thành tầng lớp “bâng khuâng” giữa hai hệ giá trị. Họ muốn quay về truyền thống cũng không được mà tiến lên hiện đại cũng gặp khó khăn.

Chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu so sánh về sự khác nhau giữa những người bán quán tạp hóa, tham gia buôn bán ở chợ, đi làm ở các công ty, tham gia phát triển du lịch cộng đồng ở các huyện Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông và Quỳ Châu với những người xung quanh họ nhưng ít tham gia vào thị trường hơn thì thấy có nhiều điểm khác nhau trong việc hoạch định phát triển kinh tế. Trước hết, đó là sự thay đổi tư duy về mục đích kinh tế. Những người có nhiều trải nghiệm thị trường thường biết tính toán chi tiết hơn về các mục đích kinh tế của mình. Họ biết lên kế hoạch đầu tư kinh tế để tìm kiếm lợi nhuận rõ ràng hơn, biết đem tiền ra đầu tư để thu về một khoản tiền nhiều hơn. Về cơ bản, họ vẫn tiếp tục sản xuất nông nghiệp nhưng không coi đây là hoạt động quan trọng nhất trong gia đình nữa. Họ đã nhìn thấy được mối tương tác giữa các hoạt động kinh tế khác nhau và biết mở rộng sinh kế, đa dạng sinh kế của gia đình để nâng cao năng lực để chống chịu với những biến động từ thiên nhiên đến xã hội. Thứ hai là sự thay đổi trong tư duy về nguồn lực phát triển. Những người có nhiều trải nghiệm thị trường có khả năng nhận biết và tiếp cận các nguồn lực phát triển mới như quan hệ xã hội, mạng lưới xã hội, tri thức dân gian, thông tin thị trường, vị trí địa lý, kỹ năng nghề nghiệp, tri thức văn hóa, bằng cấp, vị thế xã hội,…. Họ biết cách xây dựng mạng lưới xã hội thông qua nhiều kênh khác nhau từ chính quyền địa phương, thông tin về hàng hóa, về thị trường, về chính sách nhà nước. Thứ ba, họ biết cách hoạch định kinh tế gia đình sao cho hiệu quả nhất. Trước hết là việc đầu tư tài chính. Muốn tham gia thị trường thì cần phải có một nguồn vốn tài chính và một chiến lược đầu tư, sử dụng tài chính nhất định. Huy động một số vốn không nhỏ từ việc bán trâu bò, lợn, hay vay mượn anh em, thậm chí vay ngân hàng là một điều không dễ dàng đối với người dân miền núi. Vậy nên khi đã theo đuổi thì đòi hỏi họ phải rất cẩn thận trong kế hoạch đầu tư. Nhưng họ không dốc hết mọi nguồn lực cho hoạt động thị trường này mà vẫn giữ các hoạt động sản xuất khác để đề phòng khi những hoạt động này không đem lại lợi ích như mong muốn thì cuộc sống gia đình cũng không đi vào hiểm trở. Và cuối cùng, những trải nghiệm thị trường làm cho người dân thay đổi các giá trị văn hóa của mình. Với các cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền núi trước đây, hầu hết đều mang hệ thống giá trị hướng nội. Các cộng đồng sáng tạo và sản xuất đều hướng đến phục vụ bản thân, phục vụ gia đình và phục vụ cộng đồng của mình. Nhưng kinh tế thị trường làm cho người dân tham gia thay đổi và tạo nên những giá trị hướng ngoại. Họ có thể sản xuất những mặt hàng để cung cấp cho thị trường và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Họ cũng tiếp nhận các giá trị văn hóa khác qua việc giao lưu tiếp xúc và mua bán hàng hóa với nhau.

Trải nghiệm thị trường không chỉ giúp người dân chủ động trong các kế hoạch phát triển kinh tế mà còn tạo điều kiện để họ bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người của mình. Khi khách hàng có nhu cầu thưởng thức những sản phẩm mang đúng phong cách, văn hóa truyền thống của họ thì họ sản xuất đúng với nguyên mẫu. Cũng có nhiều trường hợp sản xuất theo các mẫu mã khác nhau, làm biến đổi văn hóa truyền thống, nhưng các sản phẩm này có giá cả thấp hơn nhiều so với “hàng thật” đúng nguyên mẫu cổ truyền. Tức là ở đây có sự lựa chọn trong sản xuất khi các sản phẩm theo đúng nguyên mẫu truyền thống thì mất nhiều thời gian hơn nhưng giá cao hơn sản xuất theo mẫu mới đơn giản hơn, ít thời gian hơn thì giá cả thấp hơn. Và khi thị trường phát triển lành mạnh thì hàng thật cũng được ưu chuộng hơn. Đó là lý do mà những người giỏi các nghề thủ công truyền thống lại giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và bảo tồn bản sắc văn hóa, họ là những người đi tiên phong và giữ vai trò đầu tàu cho lớp sau đi theo. Đây chính là việc giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn bản sắc văn hóa và phát triển kinh tế.

Cần xây dựng một chương trình trải nghiệm thị trường cho người dân tộc thiểu số

Nhưng nhìn trên diện rộng, cả miền núi Nghệ An đang bước vào kinh tế thị trường nhưng số người có sự trải nghiệm thị trường lại rất ít. Mỗi bản phát triển cũng chỉ có vài ba gia đình mở quán tạp hóa, dăm bảy người đi ra ngoài hoạt động kinh tế, những bản gần đô thị, gần trung tâm hơn thì số người có trải nghiệm thị trường cũng chiếm tỷ lệ thấp. Vậy nên, để phát triển kinh tế thị trường và bảo tồn bản sắc văn hóa, các dân tộc thiểu số ở miền núi Nghệ An đang cần một chương trình phát triển làm sao cho người dân được trải nghiệm trong kinh tế thị trường. Khi người dân không có trải nghiệm thị trường thì họ sẽ phải thụ động tiếp cận đến các chính sách phát triển và lúc đó, mọi sự hỗ trợ cũng không đạt được hiệu quả. Nhưng để tăng cường sự trải nghiệm thị trường của người dân không phải là việc dễ dàng và nhanh chóng được, phải có quá trình và kế hoạch cụ thể. Có hai con đường để tăng cường trải nghiệm thị trường, là con đường tự vận động và con đường nhận tác động. Tự vận động là con đường chủ quan, người dân tự tìm cách tiếp cận thị trường để tìm kiếm trải nghiệm và từ đó kiến tạo các kế hoạch kinh tế của mình. Con đường thứ hai là con đường khách quan, nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức phi chính phủ qua các lớp tập huấn và các chương trình hỗ trợ tham gia các hội chợ để người dân tiếp cận thị trường và tích lũy trải nghiệm. Trải nghiệm thị trường giữ vai trò quan trọng để  tái cấu trúc bản sắc văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế, nhưng nó cũng cần được định hướng rõ ràng. Trải nghiệm thị trường sẽ là nền tảng giúp người dân chủ động tiếp cận thị trường và phát triển kinh tế, nhưng nếu họ bị thị trường chi phối, chạy theo lợi nhuận trước mắt thì sự tái cấu trúc văn hóa sẽ theo hướng thị trường và làm mất đi bản sắc văn hóa tộc người. Nhưng sự trải nghiệm thị trường được đặt trên nền tảng của tâm lý tự hào dân tộc thì cơ hội để bảo tồn bản sắc văn hóa được nâng cao lên nhiều lần. Và nó sẽ tạo ra một luồng gió mới cho quá trình phát triển ở các dân tộc thiểu số vùng miền núi./.

 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây