Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Thứ tư - 14/08/2024 23:19 0
Để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành nhằm tháo gỡ những vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Hiện cả nước có hơn 800 doanh nghiệp đã được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên tổng số 3.000 doanh nghiệp đủ điều kiện. Tuy các doanh nghiệp này đang sản xuất tốt, tạo việc làm và đóng góp cho xã hội, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.
Một trong những vướng mắc đáng chú ý là việc ưu đãi tín dụng. Mặc dù doanh nghiệp khoa học và công nghệ sở hữu tài sản trí tuệ, nhưng không thể sử dụng tài sản này để thế chấp vay vốn. Bên cạnh đó, vấn đề thuế thu nhập cá nhân cũng chưa công bằng và không khuyến khích động lực sáng tạo. Những nhà khoa học tự bỏ tiền nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm khoa học công nghệ phải chịu thuế tương đương với người nghiên cứu dự án từ vốn nhà nước.
Ngoài ra, doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng chưa được hưởng đầy đủ các ưu đãi theo quy định. Ví dụ, doanh nghiệp cần ưu đãi về đất đai nhưng quỹ đất trong khu công nghiệp còn hạn chế, khiến việc miễn tiền thuê đất khó thực hiện. Để nhận ưu đãi về thuế, doanh nghiệp phải đảm bảo mức tăng trưởng và doanh thu từ khoa học công nghệ, điều này không dễ dàng.
Một khó khăn khác liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu trí tuệ thường kéo dài hơn hai năm, và việc xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập. Chế tài xử phạt còn nhẹ và khó xác định mức bồi thường thiệt hại.

Ảnh Internet
Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã đề xuất cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ hưởng đầy đủ các ưu đãi. Ông Thảo cũng kiến nghị đẩy nhanh tiến trình thẩm định đơn đăng ký sở hữu trí tuệ và tăng mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, các đoàn thanh tra và cán bộ tòa án không nên thông báo trước khi tiến hành kiểm tra vi phạm về sở hữu trí tuệ.
Nhiều ý kiến khác cũng đề xuất cần ban hành sớm Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, thực thi các quy định về ưu đãi hoạt động đổi mới sáng tạo, đồng thời tăng cường năng lực tổ chức kiểm tra, giám sát và thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cần trình Chính phủ thiết lập cơ chế chính sách đặc thù, coi đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ là hoạt động đầu tư rủi ro, mạo hiểm cần được bảo trợ bởi Nhà nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ và Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn để bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Thứ trưởng Hoàng Minh khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động chuyển giao công nghệ, vì sản phẩm chuyển giao nhận được nhiều ưu đãi hơn so với sản phẩm tự nghiên cứu và sử dụng./.
Trần Phát (TH)
 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập360
  • Hôm nay32,969
  • Tháng hiện tại32,969
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây